Mấy ngày nay, dư luận xôn xao vì cái sự học của cái gọi là Thượng toạ Thích Chân Quang mà tên thật là Vương Tấn Việt.
Thích Chân Quang không xa lạ gì với dư luận. Ông ta là một nhà sư Phật
giáo với bộ quần áo tu hành. Nhưng điều đặc biệt là ông ta lại nổi tiếng
với nhiều bài thuyết pháp “không giống ai”, xa lạ với giáo lý Phật
giáo. Ông ta cũng được coi là một nhà sư giàu có, đeo đồng hồ đắt tiền.
Gần đây ông ta đã bị Giáo hội Phật giáo Việt Nam kỷ luật do có những
phát ngôn miệt thị nhà sư Thích Minh Tuệ. Mới nhất người ta còn thấy
những bài thuyết pháp tà ma, dị đạo của Thích Chân Quang nên Giáo hội
Phật giáo Việt Nam lại ban hành lệnh trừng phạt ông ta không được giảng
pháp dưới mọi hình thức trong hai năm.
Dư luận gần đây lại “đào bới” ra con đường học vấn của ông sư này. Kỳ lạ thay, ông này xuất thân học vấn rất thấp, nhưng con đường học vấn của ông ấy có rất nhiều điều lạ kỳ.
Vương Tấn Việt sinh năm 1959, theo thông tin công khai trên internet và báo chí thì có thể thấy năm 1989 ông ta tốt nghiệp hệ Bổ túc văn hoá. Năm 2019 ông ta tốt nghiệp Cử nhân Luật hệ vừa làm vừa học tại trường Đại học Luật Hà Nội.
Điều đặc biệt nữa là tuy chỉ mới tốt nghiệp Cử nhân năm 2019 nhưng năm 2021, tức là chỉ 2 năm sau khi tốt nghiệp Cử nhân, ông ta cũng đã tốt nghiệp chương trình đào tạo Tiến sĩ Luật học của Trường Đại học Luật Hà Nội.
Nhiều người, đặc biệt nhiều giảng viên đại học hoặc các nhà nghiên cứu ở Việt Nam cảm thấy mặc cảm trước sự “thông minh” siêu phàm ở nhà sư này.
Trả lời báo chí chính thống, ông Tô Văn Hoà - Phó Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội khẳng định rằng, việc đào tạo và cấp bằng tiến sĩ cho ông Thích Chân Quang đúng theo quy định của trường và Bộ GD&ĐT.
Đúng là “miệng nhà quan có gang có thép”. Không lẽ ông Tô Văn Hoà thừa nhận trường sai. Hoặc giả ông Hoà cũng không kiểm soát hết được cấp dưới của ông đã làm gì. Bởi vì có một số vấn đề ẩn khuất ở đây.
Điều ẩn khuất thứ nhất là quy định cũng do Trường Đại học Luật Hà Nội tự đưa ra quy định giới hạn cho trường hợp từ Cử nhân học thẳng Nghiên cứu sinh phải là sinh viên chính quy loại giỏi, nhưng sau này lại sửa không rõ là trường này lại sửa văn bản trước hay sau khi Vương Tấn Việt vào học Nghiên cứu sinh ở đây? Bởi vì Vương Tấn Việt không phải sinh viên hệ chính quy.
Báo Tuổi Trẻ đã nêu ra vấn đề: “Đáng chú ý, thông báo tuyển sinh nghiên cứu sinh đợt 2 năm 2019 của Trường đại học Luật Hà Nội (ngày 7-6-2019) quy định điều kiện dự tuyển nghiên cứu sinh, trong đó đối với người có bằng cử nhân luật hệ chính quy loại giỏi trở lên do các trường đại học trong nước cấp…
Tuy nhiên đến ngày 30-9-2019 nhà trường lại có thông báo đính chính thông tin về điều kiện dự tuyển nghiên cứu sinh trong thông báo tuyển sinh nghiên cứu sinh đợt 2 năm 2019. Điều kiện dự tuyển nghiên cứu sinh có một trong các văn bằng: "bằng cử nhân luật loại giỏi trở lên do các trường đại học trong nước cấp…”.
Nếu như vấn đề thứ nhất, công chúng chưa rõ được mờ ảo thế nào thì vấn đề thứ hai cho thấy rõ ràng là Đại học Luật Hà Nội đã làm sai với chính quy định của mình, đó là trong Quyết định 2744/QĐ-ĐHLHN ngày 16/8/2021 có quy định rõ về thời gian đào tạo tại Khoản 1 Điều 2 đối với trường hợp từ cử nhân học thẳng lên Nghiên cứu sinh, không qua bậc Thạc sĩ là 4 năm (48 tháng). Nghiên cứu sinh trong trường hợp này có thể rút ngắn thời gian đào tạo nhưng không quá 1 năm (12 tháng). Theo như quy định này thì thời gian nhanh nhất có thể học từ cử nhân lên tiến sĩ là 3 năm, chứ không thể chỉ khoảng 17 tháng như thực tế đã xảy ra đối với trường hợp Vương Tấn Việt. Không biết trong trường hợp này Trường Đại học Luật Hà Nội sẽ lấp liếm ra sao nữa?
Ngay từ năm 2022, nhiều chuyên gia đã lên tiếng phản biện và lo ngại về chất lượng của luận án tiến sĩ của Vương Tấn Việt. Năm 2023, Giáo sư Nguyễn Ngọc Lanh đã viết một bài dài để phân tích và phản biện đề tài này. Theo GS Lanh, luận án này có rất nhiều điểm sai sót, quan trọng nhất là: “Từ ngữ “human being” (tiếng Anh) và être humain (tiếng Pháp) - được sử dụng ngay ở Điều 1 của Tuyên Ngôn Quyền Con người– là rất có chủ đích. Nó có định nghĩa và nội hàm rất xác định. Khi được dịch sang tiếng Việt, chúng ta chon từ “con người”. Do vậy, trong nghiên cứu khoa học và phát ngôn chính trị cần sử dụng từ “con người” thật chính xác, đúng định nghĩa và nội hàm vốn có của nó, mà không thể tự tiện sử dụng như khẩu ngữ mà chúng ta quen dùng thường ngày. Bởi vì, mặt đối lập của “con người” là “con vật”. Vậy mà, tác giả Vương Tấn Việt (trong luận án) lại nhầm lẫn “con người” với “công dân” (mà mặt đối lập của nó là “nhà nước”). Từ đó, khiến luận án của ông sai lầm không thể sửa. Thậm chí, có thể bị coi là ngụy biện.”
Từ câu chuyện của Vương Tấn Việt - Thích Chân Quang đã bộc lộ sự mục ruỗng của chế độ. Tôn giáo vốn thiêng liêng vì là chốn tâm linh. Trí thức là những tinh hoa của xã hội. Cả hai giới tôn giáo và trí thức đều có ảnh hưởng rất lớn, thậm chí còn dẫn dắt xã hội.
Nhưng câu chuyện
Vương Tấn Việt đi tắt thành tiến sĩ luật đã cho thấy nhiều mặt trái được
phơi bày. Nếu như triết lý nhà Phật vĩ đại với Tứ Diệu Đế với sứ mệnh
là tìm sự giải thoát cho con người, thì nay chỉ lừa bịp những người u mê
để trục lợi. Không phải ngẫu nhiên mà xã hội Việt Nam rùng rùng với
Thích Minh Tuệ, bởi họ thấy hầu hết là những ma tăng được che khuất dưới
lớp áo cà sa.
Vương Tấn Việt - Thích Chân Quang là câu chuyện điển hình cho thói háo
danh ở Việt Nam. Từ Trần Đại Quang trước đây, hay là Tô Lâm sau này, dù ở
vị trí chính trị có thể khiến cả chục triệu người run sợ, nhưng vẫn cố
đi tìm cái danh Giáo sư Tiến sĩ, cho dù các Giáo sư Tiến sĩ chỉ có thể
chạy theo bợ đỡ họ.
Chuyện Thích Chân Quang nhanh chóng lấy được bằng tiến sĩ thì chẳng mấy
ai lạ, nôm na là “cái gì không mua được bằng tiền thì có thể mua được
bằng nhiều tiền”, chắc chắn là Thích Chân Quang đã chi rất nhiều tiền để
khiến cho các Giáo sư Tiến sĩ (Đáng lẽ là rất đáng kính) lại bu vào
khen ngợi, bợ đỡ cho một kẻ háo danh, ngu dốt, dù đang mặc áo cà sa.
Trí thức hay người xưa gọi là kẻ sĩ, lẽ ra phải như Chu Văn An - dâng sớ
đòi chém những kẻ nịnh thần, thì nay chỉ đi xu nịnh cho quan chức và
những kẻ có tiền.
Giáo sư Trần Ngọc Vương trong một bài phát biểu cách đây mấy năm đã nói
đại ý là dưới góc độ văn hoá, ông đang nhìn thấy thời đại hiện nay bước
vào thời kỳ như Lê mạt hay là Mạc mạt. Có nghĩa là đất nước đang ở thời
kỳ mà văn hoá suy đồi đến cùng cực. Sự suy đồi này thấy rõ nhất qua câu
chuyện Thích Chân Quang.
Sự suy đồi này bắt đầu không nơi nào khác hơn,
chính từ nền chính trị được gọi bằng cái tên mỹ miều là chế độ xã hội
chủ nghĩa. Ở nơi đó, tất cả những bẩn thỉu nhất vẫn đang diễn ra hàng
ngày, với những vụ bắt bớ, thanh trừng nhau.
No comments:
Post a Comment