Từ ngày 23 đến 27 tháng 12 năm 2023, chùa Ba Vàng trưng bày “xá lợi tóc Đức Phật” thu hút hàng vạn Phật tử đến chiêm bái. Nhiều ý kiến trên mạng xã hội phản đối hành động này và cho rằng chùa Ba Vàng đã thu hàng chục tỷ đồng từ vụ này. Hoạt động của chùa Ba Vàng bị cho là đã vi phạm Điều 43, Điều 48, Điều 50 của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và pháp luật về xuất nhập cảnh, hoạt động triển lãm, quy định của Nhà nước về tập trung đông người ở nơi công cộng.
Tập thể Ban Thường trực Hội đồng Trị hôm 21 tháng 1 năm 2024 ra quyết định kỷ luật cảnh cáo trụ trì chùa Ba Vàng, sư Thích Trúc Thái Minh, và chùa này bị cấm tổ chức sự kiện giao lưu quốc tế một năm. Sư Thích Trúc Thái Minh phải sám hối Ban Thường trực Hội đồng Trị sự và thông báo tới các Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố. Quyết định còn nêu, “Đại đức Thích Trúc Thái Minh phải cam kết nếu tiếp tục để xảy ra sai phạm tương tự làm mất niềm tin của xã hội đối với Phật giáo ảnh hưởng đến uy tín của Giáo hội thì sẽ bị tẩn xuất, tước quyền trụ trì”.
Chính phủ đã kết luận sư Thích Trúc Thái Minh vi phạm luật tín ngưỡng tôn giáo thì phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì ở Việt Nam, phật giáo gắn với niềm tin của khá đông người dân. Ổng làm tổn thương niềm tin tín ngưỡng của phật tử trong đó có em. - Sư cô Diệu Hạnh
Sư cô Diệu Hạnh cho rằng, hình thức kỷ luật này chưa thỏa đáng. Cô nói với RFA sáng 23 tháng 1:
“Theo em, sư Thích Trúc Thái Minh đã làm ô uế thanh danh nhà Phật khi vị sư này nhiều lần bị cảnh cáo. Trụ trì của một ngôi chùa lớn nhất Việt Nam nhưng lại kêu gọi, lôi kéo phật tử vào những sinh hoạt mê tín dị đoan. Đó không phải là đạo Phật mà là buôn bán thần thánh. Tu tập Phật giáo đúng là chỉ có niềm tin tín ngưỡng chứ không có mê tín như vậy.
Chính phủ đã kết luận sư Thích Trúc Thái Minh vi phạm luật tín ngưỡng tôn giáo thì phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì ở Việt Nam, phật giáo gắn với niềm tin của khá đông người dân. Ổng làm tổn thương niềm tin tín ngưỡng của phật tử trong đó có em.”
Hòa Thượng Thích Không Tánh thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất nêu quan điểm của ông với RFA:
“Những quy định, nội quy của bên phía Giáo hội Phật giáo Nhà nước đặt ra thì chuyện kỷ luật ra sao là do Nhà nước họ quyết định. Họ thành lập, tổ chức với mấy ông sư là đảng viên với nhau nên Nhà nước họ xử mấy ông cán bộ bên tôn giáo thì cũng nằm trong khuôn khổ của họ, một tổ chức quốc doanh. Cái đó thì thật sự cũng của nhà nước, của đảng với nhau hết nên họ làm rồi họ bao che, bênh vực cho nhau thôi.”
Chùa Ba Vàng có tên gọi từ xa xưa là Bảo Quang Tự, tọa lạc trên lưng chừng núi Thành Đẳng, thuộc phường Quang Trung, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Sư Thích Trúc Thái Minh về làm trụ trì chùa Ba Vàng từ năm 2007. Ngôi chùa này lúc đó chỉ là một ngôi cổ tự nhỏ bé, cũ kỹ, hoang vu trên núi cao. Nơi đây không có điện, không có nước và đường lên chùa đầy sỏi đá. Chỉ bảy năm sau, năm 2014, sư Thích Trúc Thái Minh khánh thành chùa Ba Vàng mới trên diện tích 22 ha. Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận đây là ngôi chùa trên núi có tòa chính điện lớn nhất Việt Nam với diện tích 4.500 mét vuông.
Năm 2019, chùa Ba Vàng gây xôn xao dư luận khi tổ chức những buổi lễ “thỉnh vong”, thuyết giảng “vong báo oán” và trục vong, gọi hồn với số tiền thu được lên đến trăm triệu đồng. Trụ trì chùa Ba Vàng tổ chức buổi nói chuyện trước hàng trăm phật tử và phát biểu, việc các phật tử tham gia những buổi lễ oan gia trái chủ là tự nguyện; việc cúng tiền không phải do nhà chùa yêu cầu mà do phật tử tự nguyện cúng dường Tam Bảo và theo yêu cầu của ‘vong’.
Sau vụ đó, trụ trì chùa Ba Vàng, sư Thích Trúc Thái Minh, bị Giáo hội bãi nhiệm tất cả chức vụ và yêu cầu sám hối đại tăng 49 ngày do “vi phạm Hiến chương Giáo hội, làm tổn thương đến thanh danh Giáo hội, Tăng đoàn”. Ban Tôn giáo Chính phủ lúc đó đã cho rằng những hoạt động trục vong, gọi hồn ở chùa Ba Vàng là vi phạm luật tín ngưỡng, tôn giáo, không phù hợp với truyền thống và phải loại bỏ khỏi các cơ sở Phật giáo. Tuy bị kỷ luật, sư Thái Minh vẫn trụ trì chùa Ba Vàng. Ông được khôi phục chức vụ Phó trưởng ban Thông tin truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam hồi tháng 3 năm 2023.
Theo quy chế hoạt động Ban tăng sự Trung ương, ba hình thức kỷ luật tăng ni làm tổn thương đến thanh danh Giáo hội, Tăng đoàn là phê bình, kiểm điểm; cảnh cáo; tẩn xuất, khai trừ khỏi Giáo hội.
Nếu cho rằng Thiền Am từ vô tội thành có tội, thì tội của ông Thích Trúc Thái Minh phải nặng gấp nghìn lần vì quy mô và tác hại cho xã hội. Nhưng ông Thích Trúc Thái Minh vẫn bình an vô sự và hàng ngày vẫn “thuyết pháp” kêu gọi công chúng cúng dường tạo phúc, giải nghiệp. Đó là sự nhạo báng công lý - Luật sư Đặng Đình Mạnh
Luật sư Đặng Đình Mạnh, người từng bào chữa cho các thành viên Tịnh Thất Bồng Lai (một nhóm tu tại gia ở Long An), nói với RFA quan điểm của ông về việc kỷ luật sư Thái Minh về ‘xá lợi tóc’:
“Rốt cuộc, chỉ là xử lý theo kiểu “Giơ cao đánh khẽ” trong phạm vi đạo, nhưng những hành vi vi phạm pháp luật về phương diện đời đã bị chính quyền sở tại phớt lờ theo cách hết sức đáng ngờ. Vì lẽ, bằng thủ đoạn trưng bày vật phẩm, thì ông Thích Trúc Thái Minh đã rất tinh vi khi thể hiện sự cung kính và gọi vật phẩm ấy là xá lợi để kêu gọi công chúng đến chiêm bái và cúng dường. Điều ấy đồng nghĩa với việc ông ấy lợi dụng tôn giáo để trục lợi, dấu hiệu quá rõ của hành vi tội phạm, được bộ luật hình sự định danh bằng “Tội lừa đảo”.
Thông tin từ chùa Ba Vàng cho hay, từ ngày 23 đến ngày 27 tháng 12 năm 2023, hàng vạn người dân, phật tử từ khắp nơi đã về chùa Ba Vàng để chiêm bái, đảnh lễ xá lợi tóc của Đức Phật. Luật sư Mạnh cho rằng, việc ông Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh điềm nhiên làm lơ cho hành vi vi phạm pháp luật của ông Thích Trúc Thái Minh lừa đảo tiền bạc của hàng vạn công chúng chẳng khác nào là sự dung dưỡng tội ác, phá hoại tôn giáo. Luật sư Mạnh nói tiếp:
“Trong một sự việc tương tự tại tỉnh Long An đối với cơ sở tu hành tại gia “Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ”. Để đàn áp Thiền Am, Công an tỉnh Long An đã tạo dựng, biến chúng thành một vụ án hình sự. Họ ngang nhiên áp dụng điều lệ của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam để đánh giá và cho rằng thành viên của Thiền Am đã giả chùa, giả sư, giả tu, giả nuôi trẻ mồ côi để trục lợi tiền bạc của công chúng, qua đó, khởi tố vụ án “Lừa đảo”. Cho dù, thành viên của Thiền Am đã từng tu hành trước cả khi Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam ra đời và cách thức tu hành cũng không liên quan gì đến Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Quan trọng hơn, Thiền Am cũng chưa từng một lần ra lời kêu gọi công chúng cúng dường, nhưng họ vẫn bị khởi tố hình sự.
Nếu cho rằng Thiền Am từ vô tội thành có tội, thì tội của ông Thích Trúc Thái Minh phải nặng gấp nghìn lần vì quy mô và tác hại cho xã hội. Nhưng ông Thích Trúc Thái Minh vẫn bình an vô sự và hàng ngày vẫn “thuyết pháp” kêu gọi công chúng cúng dường tạo phúc, giải nghiệp. Đó là sự nhạo báng công lý”.
Tại phiên xử sơ thẩm diễn ra vào ngày 21 tháng 7 năm 2022, tòa án huyện Đức Hòa, tỉnh Long an tuyên án tổng cộng 23,5 năm tù đối với sáu thành viên tại Thiền Am Bên bờ vũ trụ. Cả sáu người trên đều bị buộc tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Khoản 2, điều 331, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Phiên phúc thẩm chiều 3 tháng 11 năm 2022 tuyên y án.
Diễm Thi
2024.01.23
( rfa )
No comments:
Post a Comment