Cận Tết Nguyên đán, số người mưu sinh bằng nghề lượm ve chai ở bãi rác Khánh Sơn (Đà Nẵng) lên đến hơn 100. Không kể ngày đêm, họ chờ đợi những chuyến xe chở đầy rác
Bình quân mỗi ngày bãi rác Khánh Sơn (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên
Chiểu, Đà Nẵng) tiếp nhận hơn 700 tấn rác thải của người dân toàn thành
phố. Lượng rác thải tăng lên gấp đôi dịp Tết và đây chính là nguồn tăng
thêm thu nhập cho hơn 100 người làm nghề lượm ve chai hàng chục năm qua ở
bãi rác này.
Họ có mặt ở bãi rác từ khoảng 4h sáng và chỉ về nhà khi những chuyến xe
rác cuối cùng vào bãi. Dù được nhắc nhở phải đứng cách xa xe đổ rác 2
m, chỉ được nhặt rác khi xe đã rời đi, nhưng nhiều người bất chấp. Xe
môi trường vừa đổ rác xuống bãi, hàng chục người đã vây lại, cố bới tìm
những "chiến lợi phẩm". Một ngày lao động trên bãi rác, mỗi người có
thu nhập từ 150 đến 200.000 đồng. Trước đây bãi rác đầy ruồi nhặng, từ
năm 2008 đến nay nhờ công nghệ xử lý tốt, bãi rác đã giảm hẳn được mùi
hôi và côn trùng.
Những bao nylon chứa đầy rác bị xé tung. Đôi bàn tay của những người
cào rác nhanh nhẹn lượm những thứ tái chế để bỏ vào chiếc sọt đặt bên
cạnh. Ông Hà Văn Thái, Giám đốc Xí nghiệp Quản lý bãi rác và xử lý chất
thải Đà Nẵng (thuộc Công ty Môi trường đô thị Đà Nẵng) cho biết, Tết đến
lượng rác lớn nên nhiều người nhặt ve chai xuyên đêm.
Tổng diện tích của bãi rác này là 38 ha. Rác sau khi xử lý được lấp lại
bằng đất, những người nhặt rác cứ theo những nơi đổ mới tìm đến. Niềm
vui với họ là những đòn gánh nặng trĩu vỏ lon bia, chai nhựa...
Ông Thái cho biết, về nguyên tắc là cấm người dân nhặt rác. Tuy nhiên,
do những người này dân trí thấp, không có nghề nghiệp ổn định nên Xí
nghiệp đã tạo điều kiện cho họ mưu sinh. Họ phải làm đơn đăng ký, cam
kết chấp hành chủ trương của thành phố. Số đơn lên đến hơn 500.
Nhiều lần, người nhặt rác lượm được giấy tờ tùy thân, sổ đỏ và liên hệ
với người bị mất để trả lại. Ba trường hợp nhặt được súng đã bàn giao
cho công an.
"Cực quá mới đi làm nghề này, dù vẫn biết dễ bị bệnh tật", một phụ nữ
chia sẻ và đề nghị được giấu tên vì sợ bạn bè của con biết mẹ phải đi
nhặt rác dễ nảy sinh kỳ thị.
Rác sau đó được phân loại kỹ lưỡng để bán cho người thu mua ngay tại
bãi. Theo ông Thái, đề phòng một số người lợi dụng bãi rác để đánh bạc
nên phía Xí nghiệp đã phối hợp với công an tuyên truyền, nhắc nhờ người
dân.
Ông Trần Bác Trạc cột lại bao tải rau nhặt được từ bãi rác Khánh Sơn.
Ông Trạc lên bãi rác này được 4 năm nay để lượm rau xanh hay cơm thừa về
nuôi đàn lợn 50 con. "Mỗi ngày lên đây đàn lợn của vợ chồng tôi dư thức
ăn. Rau và cơm mang về thì nấu lại kỹ lưỡng. Dù biết cực khổ nhưng cũng
gắng làm để dành dụm ít tiền cho tuổi già", ông nói.
Những bữa cơm hay thức ăn nhanh như bánh, ngô luộc... được những người
lao động nghèo ăn ngay trên bãi rác. Một vài hàng quán tạm bợ được dựng
lên để bán đồ ăn từ sáng sớm đến tối khuya. "Rác nhiều hơn nên thu nhập
cũng nhỉnh hơn chút ít, tích góp thêm chút mua cho con đồng bánh chưng
ngày Tết. Tôi ráng làm đến đêm giao thừa rồi nghỉ tết vài ngày", một phụ
nữ cho hay.
Nguyễn Đông
Hi Pham chuyen
No comments:
Post a Comment