Danh Ngôn

Danh Ngôn

Lời Vàng ý Ngọc

Lời Vàng ý Ngọc

Monday, January 26, 2015

Người cộng sản nằm vùng cuối cuộc đời

  - Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, gia đình ba mẹ của bà Hai Xu thuộc dạng giàu có nhất trong huyện này. Mấy cái tiệm chạp phô trong chợ thuộc sở hữu ông Tổng Trương cho thuê. Hồi đó ông Tổng nổi tiếng là tay cự phách về buôn bán và đầu tư đất đai. Ông bỏ tiền ra thuê người khai khẩn những khu đất hoang phế. Bạn bè ông ai cũng cười nhạo báng. Nhưng dần dà dân cư tăng trưởng, đất đai có giá ông trúng to. Ông có hai đứa con. Đứa con trai đậu xong cái bằng Thành chung bỏ theo kháng chiến rồi tập kết ra Bắc. Còn lại đứa con gái là Hai Xu.

Khi ông bà Tổng bỏ tiền của ra yểm trợ chính phủ trong công trình xây dựng nông thôn, cũng là thời gian ông phát giác ra con gái mình là cán bộ hoạt động nằm vùng. Đã bao lần ông khuyên răn con từ bỏ nhưng Hai Xu quyết liệt một là thủ tiêu cha mẹ, hoặc cha mẹ để yên cho Hai Xu. Không có cách nào khác, ông bà buồn bã đau bệnh mà chết sớm. Dân chúng trong các làng lân cận vẫn nhớ tới chiếc cầu tre, cái dốc trên bờ đê, cái cột mốc ở bến đò, cái bình phong đình miếu không nhiều thì ít có bàn tay vị tha của ông Tổng.

Hai Xu ngồi đu đưa trên chiếc võng đan bằng dây dứa với mây. Bà ôn lại khúc phim gia đình thời vàng son. Mắt đong đưa nhìn ra con đường cái dẫn lối vào chợ. Chiếc xe bộ đội rú ga chạy để lại một vùng khói đen. Vài ba cái xe hơi từ hướng tỉnh chạy qua rồi mất hút. Những đám bụi cuồng cuộn theo gió thổi vào mặt Hai Xu. Bà dụi mắt nhìn tỉ mỉ căn nhà. Bức tường nắng mưa loang lổ. Cái giường ngủ bốn cái chân xiêu vẹo. Trên bàn thờ cái chậu nhang lạnh tanh, bên cạnh “Bác” ngồi gọn gàng trong cái lộng kiếng. Bất giác Hai Xu nhớ ngày hôm nay người đồng chí cách mạng từ Cam Lộ về thăm. Bà mở miệng kêu con gái:

- Con Hoa mi mô rồi?

- Dạ có tui đây.

Hai Xu bước tới đầu giường dở cái gối mốc meo mồ hôi. Bà lấy tờ bạc giúi vào tay con Hoa, bảo nó ra chợ mua ít rau cải và cá duội khô về đãi khách. 

Chờ con Hoa ra khỏi nhà. Hai Xu cầm cái gương hình tròn lên soi mặt, thong thả ngắm nghía, búi lại chùm tóc hai màu. Rồi tìm mặc bộ áo quần thời kỳ làm Chủ tịch xã cất giữ mấy năm nay. Bà muốn chứng tỏ cho người cán bộ về vườn tên Ba Nước là bà vẫn còn sáng giá mặc dù đảng đã thải ra ngoài lề xã hội. Nhìn kỷ trong gương, Hai Xu biết mình có cái môi xệ, cái lưỡng quyền cao, lại thêm đôi mắt con cú, hai bên thái dương có nhiều chấm rổ. Nhờ có diện mạo thế này nên mỗi cuộc họp nhân dân ai cũng ngồi yên nghe bà nói, giọng bà đanh thép không có cái đầu nào dám nhìn thẳng vào mặt. Cái uy quyền của bà các đồng chí trong huyện ai cũng khen. Cho nên đảng ra lệnh sai lầm bao nhiêu bà vẫn răm rắp làm theo còn dân chúng kêu than mặc kệ.

Hai Xu đang loay hoay tìm đôi dép Bình Trị Thiên. Bổng nghe cái giọng quen quen ngoài cửa vọng vào:

- Chị Hai Xu ơi! Ba Nước xuống thăm đây!

- Có tui ra bi chừ.

Hai người tiến lại gần ôm nhau. Con chó vàng ốm trơ xương từ đâu chạy tới sủa gâu gâu rồi vẩy đuôi chĩa mồm vào cái giỏ mây trên tay người khách. Hai Xu trườn chân đạp con chó một cái nảy lửa, đoạn mở miệng:

- Nom đồng chí không khác thời kỳ còn hoạt động chi mấy.

Ba Nước cau mày sầm nét mặt:

- Hết thời rồi. Cũng như cái MTGPMN thôi. Gọi nhau bằng tên cho phải lúc. Chị thấy đó. Cấp lớn ở Bắc đưa vô, đảng chưa vắt chanh. Còn trong ni từ chủ tịch Mặt trận trở xuống bị vắt khô liệng thùng rác cả rồi.

Hai Xu nhìn Ba Nước mặc cái áo nâu vải thô, cái quần đen thụng đít, thân hình như cây tre già khẳng khiu. Bà giơ tay phủi bụi trên áo mình như để khoe lại cái uy phong một thời. Thấy Ba Nước có vẻ lơ là. Hai Xu vội kéo tay bạn ra phía sau hè. Bà đằng hắng một cái nhìn qua về không thấy ai kề miệng vào tai Ba Nước: 

- Hì! Có mang theo sắn Cùa trong giỏ không hỉ?

- Có chớ. Thời buổi ni đi mô cũng phải lo xa. Mà ăn củ sắn uống nước chè lá xanh thì say ghê gớm lắm đó!

Biết sáng giờ không có một hột cơm trong bụng. Hai Xu nắm lấy cơ hội: 

- Ừ phải. Để tui bắt nồi nấu sắn. Ăn để nhớ lại những năm đảng bắt cả nước ăn khoai nhai sắn. Còn cán bộ như mình thì tha hồ ăn cơm với cá.

- Chị nhắc tui mới nhớ. Hồi ở Đông Hà tui ra chỉ thị bắt nhân dân tăng gia sản xuất, khai báo kiểm kê gà vịt. Có lắm lần công an bắt được người ta ăn lén do người chung tổ tố cáo. Thế là có dịp mình bắt học học tập đem ra tố rồi tịch thu. Cơ quan tỉnh, huyện tha hồ ăn gà tươi khỏi tốn quỷ nhà nước bồi dưỡng. Nhớ mà thèm.

Hai Xu đứng dậy nhìn ra ngoài trời. Từng đám mây đen nối lớp nhau cuồng cuộn trong gió. Tiếng chim lạc bầy trên cây ổi bên hè cất tiếng kêu. Bất giác Hai Xu than vãn:

- Chị cũng như tôi đời sắp tàn vẫn còn cô độc. Mình hy sinh của cải sự nghiệp cho cách mạng. Rút cục người ta đưa toàn bộ đảng viên miền Bắc vô thay sạch hết những cán bộ miền Nam như chị em mình.

- Chị còn hơn tôi. Chị có đứa con gái để chị tâm sự. Còn tôi chồng xé thẻ đảng chạy vô miền Tây đi theo vợ bé. Nghe nói vượt biên rồi. Mấy đứa con mạnh ai nấy tìm đường nuôi thân.

- Thôi mình lấy sắn ăn cho say rồi ngủ một giấc. Con Hoa tui đi chợ về thì dành ăn bữa tối.

- Tôi còn ở lại chơi những mấy hôm kia mà. Đằng nào cũng một thân một ngựa “tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên xã hội chủ nghĩa” như đảng vạch ra.

*

Con Hoa đội chiếc nón lá bài thơ rách viền. Nó đang lủi thủi đi trong chợ. Chợ vỏn vẹn có năm ba cái sạp bằng tre đan, hoặc gỗ mục chắp nối. Người ta dùng những tấm ni lông gói đồ may vá lại để che mái. Các sạp bày bán bánh khoai môn, bánh củ đậu, bánh lá gai và đồ ăn lặt vặt như đậu phộng, muối, tiêu, ớt, sã, nồi đất, chén đất, rổ mây... Dân chúng các làng lân cận mang rau răm, rau thơm, khoai sắn, dưa leo, bầu bí, con tôm con cá bắt được trong ao ngoài ruộng về đây họp chợ. Họ chiếm một khoảnh đất nhỏ rồi theo nhau ngồi chồm hổm bên cái thúng cái đòn gánh của mình. Trời tháng bảy. Cái nắng trưa hè gay gắt cháy da, chen theo gió Lào thổi về trộn lẫn mùi hôi của những con cá ươn. Rồi mùi phân người, mùi nước đái, rác rến rải rắc trong chợ. Tất cả cuộn chập chờn vào mặt mũi người dân quê không nón, không mũ, không chiếc khăn tay. Họ chỉ thấy đầy dẫy những bích chương, những lá cờ, những biểu ngữ với hàng chữ to tướng ca tụng đảng.

Con Hoa nãy giờ đi lui đi lại. Cầm tờ giấy hình “bác” trong tay tính lui tính tới chưa mua được cái gì. Nó đứng lại nhìn hai vợ chồng người Thượng chỉ có miếng vải che nơi háng. Người đàn ông Thượng dang chân ngồi chài bải, tay mở những xâu lá thuốc khô ra trao đổi muối. Con Hoa để ý tới cái vòng hột cườm trên đùi ông ta. Nó đứng trân người nhìn thật kỷ con gì lắc lư lạ thường. Hai gò má nó nóng lên. Nó nhớ lại những ngày mẹ nó chửi rủa đàn bà bỏ nước ra đi là tụi đĩ điếm theo Mỹ đen. Khi người đàn ông Thượng đứng dậy cũng là lúc con Hoa ngượng ngùng quay lưng đi tới cái sạp mụ Hương. Thấy mụ ta đang cầm quạt đuổi ruồi. Nó chỉ tay vào cái thẩu đựng cá:

- Nì mụ Hương! Cá khô duội bao nhiêu một ký?

- Mua mở hàng đi. Tui bán tính con. Thời buổi ni còn hỏi cân với ký, lên trên xã trên huyện mà hỏi.

Con Hoa biết là bà chửi mánh mẹ mình. Nó cảm thấy khó chịu. Nó bốc mấy nắm cá khô bỏ vào tờ báo “Sài Gòn giải phóng” hoen chữ rồi gói lại, đoạn nói: 

- Tính tiền đi, bao nhiêu mắc chịu để đó khi mô có tiền rồi trả.

- Tui không bán thiếu. Cả lũ con đói meo. Mỗi ngọn rau, mỗi cái đầu cá là giọt máu.

- Ê con mệ chằng. Đừng có dở thói nói xóc óc.

- Ai con nhà có tật thì giật mình. Đồ cái phường vô lại.

Con Hoa xông tới giật thêm cái mớ cá rồi ngoay ngoảy bỏ đi. Mụ Hương bước xuống khỏi sạp. Mụ kéo cái tay con Hoa rồi la lên:

- Bớ làng nước ơi! Quân ăn cướp!

Con Hoa vung văng giơ tay kéo cái lọn tóc bối. Mụ Hương bắn người lên lồng lộn. Mụ kê đầu gối túi bụi lên ngực con Hoa. Nó xiểng liểng đi. Mụ bồi thêm mấy cái tát vào má. Rồi lấy tay xé toạc cái áo, tay kia níu kéo cái quần xuống khỏi đầu gối. Con Hoa bị lột trần, lộ ra hai cái vú xẹp lép như trái bí làng Sen. Miệng trên miệng dưới của nó hả ra thâm tím như hột sim sau đồi nhà Lê Duẩn. 

Tụi trẻ năm bảy đứa tắm ở ven sông cạnh chợ đua nhau chạy lên xem. Có đứa cao ngồng ngộng không mặc quần. Bọn họ nhìn con Hoa mà tha hồ chúm chím cười khúc khích. Một đứa nói:

- Coi tề. Mụ Hương có võ. Mụ Hương chịu chơi tụi bây ơi!

Đứa khác chen vào:

- Đồ chơi của con "cách mạng “có khác chi mô mà ác rứa hè.

Nhóm người lớn đứng xung quanh nhìn nhau xì xào:

- Xấu mặt. Đáng đời. Hoan hô mụ Hương. Hoan hô phe ta thắng.

Một người công an đi tới. Hắn rã đám đông ra, rồi cúi xuống thọc một tay vô háng con Hoa. Tay kia từ từ lấy cái nón cối có hình ngôi sao đậy lại, rồi kéo cái quần con Hoa lên khỏi rốn. Người ta nghe tiếng kêu úi chà. Mụ Hương đứng dậy phủi tay cười thầm trong bụng. Con Hoa bấy giờ ngồi nhỏm dậy, hai tay ôm lấy ngực. Ai đó trong đám đông ném tới tờ báo Nhân Dân có hàng chữ cơ quan ngôn luận của đảng. Người công an chụp lấy quấn áo lên vú con Hoa rồi nói:

- Chỗ này không tiện xử lý. Hai người theo tôi về cơ quan.

*

Đi trên con đường đất gập ghềnh khô cằn. Qua một cái cầu gỗ đổ xuống triền dốc. Mụ Hương nhìn những căn nhà lá lụp xụp hai bên vệ đường. Nhóm trẻ con đang hì hục cuốc bới đụn rác sau lưng nhà Ủy ban. Mụ nhớ rõ dân trong xã đã có nhiều người chết đói chết khát trên cái bãi cát vàng, bên cái ụ đất khô trọc để trồng khoai theo lệnh “cách mạng”. Không biết bao nhiêu người bị dán nhãn hiệu “phản động” “ác ôn” đem ra đội đoàn đấu tố giữa đêm khuya. Mụ tự nhiên cảm thấy vui trong lòng. Ít ra cũng được dịp làm nhục con nhà “cách mạng” cho thiên hạ coi nó có lông có cánh như chim diều hâu không mà mổ tới đâu tai họa tới đó.

Vừa tới trụ sở. Thằng Cu Voi con mụ Hương cũng chạy đến kịp lúc. Bước vô phòng, người công an cất giọng:

- Tên kia xin việc gì ra ngoài chờ. Chớ có lảng vảng khi chưa được lệnh cho vào. 

- Dạ thưa. Lúc cán bộ dẫn mẹ tôi đi. Tôi theo sau nhặt được cái đồng hồ cán bộ làm rớt, tôi đem trả lại đây. 

Người công an vội vã cầm cái đồng hồ bỏ túi. Suy nghĩ giây lát rồi nói: 

- Tao giả vờ đánh rớt. Để coi dân trong khu vực có tham lam, hối lộ như bè lũ “Thiệu Kỳ” không. Tao hết chuyện nói với mầy rồi. Cho mầy ra khỏi chỗ này để tao làm việc. Nói xong hắn quay qua mụ Hương và con Hoa: 

- Tôi sẽ cho lệnh điều tra ngọn ngành. Bà già này về đi, chờ giấy cơ quan mời sau. Còn chị này tạm thời ngồi đây, để tôi kiếm cái áo mặc đàng hoàng rồi về. 

Mụ Hương gấp gáp đứng dậy đi ra. Mụ nghĩ thầm trong lòng là đứa con thương mẹ đâm ra liều lĩnh. Lở vô phúc nó khám phá ra cái đồng hồ dỏm thì có nước độn thổ cả đám chớ phải đùa. Mụ lẩm nhẩm:

- Lạy phúc đức ông bà xui khiến cho nó gửi ra Bắc càng sớm càng tốt. 

*

Ngọn gió Lào thổi về vừa khô vừa nóng. Bà Ba Nước cầm quạt phây phẩy. Nhìn cái áo bịn rịn mồ hôi. Nghĩ tới cán bộ cấp lớn cấp nhỏ ở miền Bắc vô chiếm đất, chiếm nhà rồi chễm chệ ngồi trong xe hơi, đèo nhau trên xe Honda, tiền bạc xài thả giàn, ăn mặc theo kiểu mới. Ngồi đây nơi căn nhà Hai Xu, thấy trước mặt những bà mẹ già nua gánh bó củi qua đường. Ba Nước không mảy may thương hại. Đảng đã luyện cho bà trái tim sắt để giết người cướp của. Đâu có biết rằng khi trái tim kia hoen rỉ bị đảng quăng đi nhẹ nhàng. Ba Nước biết rằng làm con người hay con vật muốn sống thì phải ăn. Cái bao tử đang cồn cào ra đây. Nghĩ tới đó Ba Nước vổ một cái vào đùi: 

- Biết thế này hồi đấu tố chém giết tư sản mại bản đem vàng bạc chôn cất riêng cho rồi. Cái gì cũng nộp gửi về cấp trên ráo trọi.

Những thỏi vàng óng ánh. Những tờ giấy bạc chập chờn bay lượn trước mắt Ba Nước. Bên tai văng vẳng tiếng gió hú, tiếng van xin, lạy lục “cho tôi được sống”, “tội cho chúng tôi lắm”. Ba Nước thấy lại rõ ràng cái lưỡi lê sắc bén trong tay. Nghĩ tới chuyện huyên thiên, đôi mắt Ba Nước chớp chớp rồi mơ màng khép lại. 

Hai xu nhìn qua biết Ba Nước đã ngủ, có lẻ ăn nhiều củ sắn bị say. Thấy con Hoa đi chợ cả buổi chưa về. Bà ước đoán chắc nó đi cặp kè cán bộ. Biết mô chừng nó vớ được đứa có xe hơi nhà lầu. Chẳng cần thắc mắc, Hai Xu đứng dậy xuống bếp. Bà mở nắp nồi cơm, tay cạo miếng cơm cháy sót lại trong đáy nồi bỏ lên miệng nhai. Trước mặt bà là bộ ly tách kiểu xưa, cái mâm bằng đồng trong thời kỳ làm chủ tịch xã. Năm cái chén làm bằng miểng B52 và mười đôi đũa tre là món quà của người anh tập kết ra Bắc đem vô tặng. Nhìn vật dụng hai miền, bà chắt lưỡi thầm thì trong bụng:
- Ngoài Bắc chỉ có mỗi một cái loa. Đảng nói cái gì cả nước phải tin. Mình ở trong Nam tự do sung sướng lại chạy theo đảng, theo cách mạng để giết người cướp của cho đảng. Đảng đỗ thừa”Mỹ Ngụy” xấu xa. Nhưng bây giờ thấy rõ đảng kềm kẹp, đảng ác ôn, đảng vừa ăn cướp vừa la làng
Giai cấp vô sản đi xe hơi ở nhà lầu. Đảng lòi cái xỏ lá là đưa bộ đội vô Nam đánh chiếm để đảng cướp giật tài sản. Hiểu cái ba sạo của “bác, đảng” thì mình đã lỡ một đời người rồi. Có cái mình được an ủi là tai to mặt lớn trong cái Mặt trận cũng giơ ruột ra đánh trống khóc hu hu, mang ân hận xuống tuyền đài.

*
Ra khỏi đồn công an. Con Hoa nửa vui nửa bực tức. Nó vui vì người công an trẻ tuổi to béo mập mạp biết vỗ về nuông chìu khi nó khóc, biết cho nó cái hôn táo bạo nẩy lửa. Lại còn biết cách đóng phòng lại nhốt người... 

Mấy năm nay rồi không có con trai nào bén mảng làm quen nó. Nó biết là mẹ nó gây quá nhiều tội ác. Hôm nay trong cái xui lại có cái hên. 

Người công an đã cho nó hưởng cái mùi ngai ngái của da thịt. Nó nghĩ tới những lần vô bếp ăn vụng cảm thấy ngon. Nó bực một cái là mụ Hương chưa vô tù ngay cho rồi. Ở tù rục xương ra, rồi con cái đói nhăn răng ra mà chết. Con Hoa nhớ lại hình ảnh mẹ nó hiên ngang trên bục gỗ giữa đình làng, la hét chửi rủa làng, xã “ngụy quân ngụy quyền”. Hàng mấy trăm người ngồi yên như pho tượng. Mẹ nó ra lệnh nhân dân lùa trâu bò, gà vịt vào nuôi trong đình, chùa, nhà thờ. Rồi đêm đêm có những người bộ đội mang những nồi vịt xáo măng, gà ướp sả, thịt heo luộc tới nhà cho nó ăn, trong lúc nhà hàng xóm trưng mặt ra ăn bo bo với rau dền. Nghĩ tới đó tự nhiên miệng nó rỏ dãi. 

Về tới nhà, con Hoa ôm mặt khóc sướt mướt. Hai Xu vồn vã hỏi con:

- Có chuyện chi nói nghe coi nào?

- Mụ Hương đánh tui, lột áo quần tui ngoài chợ.

Hai tay Hai Xu run lên. Bà há mồm trợn mắt to tiếng:

- Mà tại răng chớ!

- Mụ chửi “cách mạng”. Tui ngứa tai chửi lại, bênh vực mạ đó.

- Đồ ngu. Sao không kêu công an tới kéo nó bỏ tù cho chết tiệt.

- Có. Nhưng công an nói là để họ điều tra. Anh nớ còn nói riêng với tui là thả con mệ đó về để theo dõi người liên hệ rồi giăng lưới bắt một mẻ luôn đó. 

- Thôi được rồi. Tau với chị Ba Nước đói lả người ra đây, mi lo đi nấu cơm cái đã. 

Hai Xu bước ra ngoài hiên. Nhìn trời cao lồng lộng. Những con bướm cánh đen bay vật vờ đi kiếm nhụy hoa trong nắng. Bà cúi xuống nhặt cái bông hoa thọ héo khô tàn tạ. Bà nhìn vào cái quần đen thô kệch. Trong trí nhớ hiện về hàng cây hoa mẫu đơn, hoa cúc tươi trước nhà mụ Hương. Cái hàng vải đủ màu sắc trong cửa hàng mụ Hương đã bị chính tay bà ra lệnh trưng thu, để rồi chồng mụ Hương điên khùng mà chết rồi mụ tìm kế sinh nhai bằng bán lặt vặt cá lòng tong, hành tỏi. Bất xác Hai Xu gọi con Hoa:

- Chắc mụ Hương trả thù?

- Mà mạ có mần chi mụ nớ mô.

- Thì tau mở tòa án nhân dân tịch biên gia sản của mụ để nộp nhà nước.

- Úi chà! Phải chi mạ còn mần việc như hồi đó, thì con xé xác mụ Hương ra từng mảnh mà đem nộp đảng phải không mạ?

Ba Nước nghe tiếng mẹ con Hai Xu thì tỉnh dậy bước ra khỏi võng. Bà dụi mắt nói: 

- Chị và tui gần đất xa trời. Nên nghĩ lại sự thật. Chị nên cải hóa lòng căm thù trong lòng đứa con chị. Nói trắng ra mình giải phóng miền Bắc đói khổ đọa đày mới phải. Ai lại đi giải phóng vùng tư bản để chôn chung một lỗ địa ngục.

- Biết vậy nhưng lỡ nhúng máu thì che đậy luôn. Cả một tập đoàn cộng sản chứ mô phải mình tui với chị.

Con Hoa dọn cơm ra. Bữa ăn gồm có nồi cơm gạo mốc, cái tô đựng nước mắm ruốc kho loảng, đĩa rau dền và mấy trái ớt khô. Không đợi mời, Ba Nước vội vàng ngồi bệt xuống lấy chén xúc cơm. Hai Xu cầm đôi đũa ngà của “bọn tư bản” để lại phân chia phần sắn lát trong cơm ra một bên. Con Hoa múc hết tất cả sắn vào chén của nó rồi nhìn mẹ: 

- Mạ với thím Ba lựa cơm mà ăn, tui đói thì chạy qua nhà cán bộ ngoài Bắc vào để ăn chực.

Ngoài kia từ phía trụ sở. Tiếng loa phóng thanh lập đi lập lại: 

- “Bác Hồ vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp chúng ta”. “Đảng cộng sản quang vinh muôn năm”...

Bà Hai Xu trố mắt nhìn thẳng vào mặt Ba Nước: 

- Tui mãi lắng nghe coi đảng ra chỉ thị gì không. Chị dọn sạch nồi cơm vô bụng. Rứa phần mạ con tui mô? 

Bà Ba Nước đập mạnh đôi đũa xuống chén. Hai tay run run, sắc mặt từ từ đổi màu rồi té xỉu ngất đi. Trong đôi mắt bà chập chờn “bác” nằm ngủ ở lăng Ba Đình và đoàn con cháu bác trong đoàn quân cách mạng vô sản mang cờ xí dao mác đi giữa phố giữa làng. Hai cái tai của bà văng vẳng tiếng gió hú hòa chung tiếng rên rỉ ai oán của những cái hồn. 

Con Hoa đứng dậy lắc vai Ba Nước: 

- Trời ơi! Ra Ủy ban mà chết có xe cộ mang đi. Chết ở nhà tui lấy tiền mô mua gỗ mua đinh mà đóng!

Hai Xu đặt tay lên đôi mắt người bạn “đồng chí cách mạng” rồi nói: 

- Người cộng sản có cái “đỉnh cao trí tuệ” nhất thế giới là khi sắp chết mới biết khóc mà nói lên sự thật. 

Hai mẹ con Hai Xu choàng tay nhau cúi đầu xuống trên cái lưng Ba Nước. 

Con chó vẹn ngồi một mình lẻ loi buồn bã. Nó đói quá tức mình lè lưỡi uốn, đưa mắt châu mõm lên bệ thờ: 

- Hâu hâu! bác bóc bác bóc. Nó rán sủa chữ “lột”. Tội nghiệp nó đã hết hơi kiệt sức. Nó đành chịu nằm dài chân chờ lưỡi hái hung thần tới mang đi. Rồi xương tủy con chó sẽ được người ta xây vòng tròn ngồi nhậu với rượu ngoại. 

Trên tường lá cờ đỏ sao vàng trông như đậm đỏ thêm ra...

*

Ngày hôm sau bên kia góc chợ. Cái hàng rau cải ngò hành của mụ Hương đông người lui tới hỏi thăm. Mụ mỉm cười nói với đứa con: 

- Bà con xã mình chưa chết tiệt. Chúng giết hết thì lấy ai làm kiếp trâu ngựa cho chúng trấn lột. Mà cũng may nhờ cái đồng hồ “cửa sổ tư bản”. Nhờ thế mẹ mới thoát nạn. 

- Miệng nó chống tư bản. Tay nó đi ăn cướp vơ vét cạn tàu láng. Trâu bò ngoài ruộng còn chạy mặt đó mẹ. 

Tiếng nhạc vàng từ căn lầu nhà cán bộ phát ra nghe rõ mồn một: 

Con biết bây giờ mẹ chờ trông con. Mụ Hương chạnh lòng thương nhớ những người lính Cộng Hòa mong bình yên để về quê ăn Tết bên mẹ. 

Nhưng tiếng súng đã ngưng. Những người con của mẹ đã đi biền biệt, chết đầu sông, cuối núi, chết giữa biển cả mênh mông, chết trong trại tù, để lại những người mẹ đợi chờ tuyệt vọng. Tự nhiên những giọt nước mắt trên đôi má gầy gò từ từ lểu dểu...

Thấy mẹ đứng khóc. Thằng Cu Voi cầm tay mẹ thủ thỉ: 

- Mẹ đáng hãnh diện là mẹ đã cho con uống cạn dòng suối ngọt. Mẹ là trái chín thương yêu. Mẹ đã vui để sống dù đời đầy gian khổ. Cười với con đi mẹ. Ngày mai trời lại sáng. 

Mụ Hương lau nước mắt. Mụ ngồi xuống nhìn vào háng của mình, rồi nhủ thầm: 

- Đời còn một miếng đất cằn cỗi khô héo thế này. Chẳng lẻ nhà nước kêu gọi hiến dâng cho sự nghiệp xã hội chủ nghĩa cũng không biết chừng!
 

No comments:

Post a Comment