Danh Ngôn

Danh Ngôn

Lời Vàng ý Ngọc

Lời Vàng ý Ngọc

Saturday, January 3, 2015

Chị là Ai?

MiVan Løvstrøm - Qua một người bạn, tôi được biết đến tên chị, những gì bạn ấy kể về chị, trước đây tôi chưa từng được nghe qua. Với sự tò mò và muốn "cảm" những gì bạn kể, tôi quyết định phải có một buổi nói chuyện với chị.

Khi gặp chị qua màn ảnh, cái giọng miền Nam của chị cho tôi cảm thấy thân thuộc, và được biết chị đang ở Vũng Tàu, nơi tôi đã có rất nhiều kỷ niệm. Qua câu chuyện chị kể, tôi hình dung ra được một cô bé 10 tuổi, đang còn trong vòng ôm ấp của mẹ, đang nuôi nhiều ước vọng cho tương lai, thì cả nhà chị bị đưa đi vùng kinh tế mới, ở tận cánh rừng Xuyên Mộc.

Đến Xuyên Mộc, gia đình chị được cấp cho một túp lều nhỏ, ở giữa rừng. Cuộc sống của cả nhà bắt đầu bằng việc khai phá từng mét rừng hoang dã. Và từ đó họ bắt đầu xây dựng cuộc sống mới. Làm lại từ đầu.

17 năm khai hoang phá rừng, lập đất trồng trọt, xây dựng cửa nhà, cứ tưởng chừng như cuộc sống đã đi vào bình yên. Cho đến năm 1993 quy hoạch được 11ha đất, và cũng chính năm đó chính quyền đã cưỡng chế 294 hộ dân trong khu vực gia đình chị ở.

Chị kể tôi nghe, cái ngày cưỡng chế ấy là lúc mùa màng gần thu hoạch, gia đình chị trồng được rất nhiều, đặc biệt là cây điều. Khi tôi hỏi thời gian từ khi trồng đến lúc thu hoạch là bao lâu, chị trả lời là 3 năm. Tôi chợt hình dung ra, từ lúc khai hoang, lập rẫy và trồng trọt, là cả một quá trình bao nhiêu năm, rồi lại chính mắt mình nhìn thấy công sức và hy vọng bao năm bị chính quyền cho xe ủi đến cày nát hết. 

22 năm sau sự kiện, tôi còn nghe được cảm xúc trong giọng nói và thấy được đôi mắt rưng rưng của chị qua màn ảnh. 

Trong khoảnh khắc ấy, tôi cảm thấy thật gần, thật thương người chị tôi mới quen.

Và cũng trong lúc này, tôi đã tự hỏi tôi sẽ làm gì, nghĩ gì, cảm giác thế nào nếu tôi là chị.

Tôi đã không tìm được câu trả lời vì trong xã hội Bắc Âu nơi tôi lớn lên và đang sống vốn không có những chuyện bất công như vậy.

Nên tôi hỏi chị đã làm gì sau đó?

Trong lúc đầu chị đã nghĩ rằng trung ương có thể giải quyết được những sai lầm của cấp địa phương. 
Nhưng chị đã nhanh chóng hiểu rằng công việc khiếu nại của chị là vô ích.

Tôi thắc mắc : nếu là vô ích, tại sao chị vẫn tiếp tục đấu tranh, tiếp tục biểu tình để hứng chịu tù đày, đánh đập và sỉ nhục? Chị có nghĩ sẽ có ngày đòi lại được nhà đất ruộng vườn không?

Chị quả quyết sẽ không bao giờ đòi lại được những gì họ đã lấy. Nhưng vẫn phải tiếp tục khiếu nại, kêu oan, xuống đường, biểu tình, tranh đấu. 

Vì muốn góp tiếng nói đòi công lý cho tập thể dân oan trên khắp 63 tỉnh thành của đất nước.

Và cũng để nói lên ngày hôm nay họ không còn đòi nhà đất nữa mà đòi quyền sống, đòi quyền con người tại Việt Nam, cho Việt Nam.

Khi viết đến đây, tôi chợt nghĩ đến người bạn của tôi đã nói với tôi rằng tôi hoạt động giúp đỡ phụ nữ Việt Nam mà không biết đến tên Trần Ngọc Anh là một thiếu sót. Quả đúng như vậy. 

Qua cuộc nói chuyện với chị Trần Ngọc Anh, tôi được biết chị đã từng xuống đường cùng với hàng trăm phụ nữ dân oan khác, đã từng ngồi tù, đã từng bị làm nhục và mang nhiều thương tích trên người.

Tôi cảm thấy phục sự kiên cường của các chị trong Phong trào Dân Oan.

Tôi cảm thấy quý sự cho đi của các chị vì tiếng nói chung.

Tôi cảm thấy thương những vết thương mà các chị đã và đang gánh chịu.

Và thương hơn nữa khi được biết những người dân oan trong Phong trào các chị không nhận được sự đồng cảm và hỗ trợ cần có.

Tôi cảm thấy xót khi nghe câu nói: "Dân oan là thành phần ít học, sẽ không bao giờ nhận được sự hỗ trợ bên ngoài, vốn chú tâm vào các nhà hoạt động dân chủ trong nước".

Với tôi, trách nhiệm và sự góp sức của mọi thành phần trong xã hội cho công cuộc chung đều phải ngang nhau và đều phải được tôn trọng.

Thể chế dân chủ tự nó không hiện hữu. Chỉ có những con người dân chủ với những thói quen dân chủ.

Đây là chia sẻ và cảm nhận của cá nhân tôi.

Qua buổi trao đổi với chị Trần Ngọc Anh, tôi được biết thêm nhiều hoàn cảnh khác của các chị trong Phong Trào Liên Đới Dân Oan Việt Nam, mà tôi mong sẽ có dịp chia sẻ cùng với các bạn trong thời gian tới.


No comments:

Post a Comment