Trong hai ngày 11 và 12/11 vừa qua, tại
TP Sài Gòn diễn ra hội thảo khoa học mang tên “Vấn đề đạo đức xã hội
trong văn học, nghệ thuật hiện nay”. Nói là văn học nghệ thuật nhưng
thật ra chỉ có vài mặt được các nhà “làm văn hóa” mang ra bàn cãi. Đó là
những chuyện về ca nhạc, truyền hình, phim ảnh. Còn những vấn đề lớn
hơn như báo chí, tác phẩm văn học, nghiên cứu, phê bình… không thấy bàn
tới. Nếu mang tuốt luốt ra “hội thảo” chắc cả tháng chưa hết, có cả trăm
cả ngàn chuyện phải bàn.
Chỉ cần môt thí dụ như chuyện 13 năm nay,
cuốn “Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh” của Vũ Chất, có logo của
NXB Trẻ vẫn chễm chệ trên các kệ sách và ngay cả trong thư viện quốc gia
và thư viện lớn nhỏ khắp nước, đến nay mới bị phát hiện ra là “thảm
họa” về ngôn từ.
Thật khiếp đảm với những “khái niệm ẩu
tả” được đặt ra từ cuốn từ điển mà chính nhà xuất bản Trẻ không nhận là
do mình in ra này. Vậy nó ở đâu chui ra, qua mắt được các quan kiểm
duyệt có tiếng là khắt khe, không ai biết? Tạm kể vài danh từ được dạy
cho học sinh và cũng như “kim chỉ nam” cho người lớn, như bồ bịch là…
bạn bè thân thích, đồn trưởng là… trưởng đồn, lâu đài là… lầu và đền
đài, thơ ngây là… ngây thơ, cào cấu là… vừa cào vừa cấu, bế mạc là… chấm
dứt buổi hát, bản sắc là… màu tự nhiên, bóng đèn là bóng làm bằng chai
trong có tim đốt được bằng hơi điện, buồn cười là buồn mà cười…
Định nghĩa như thế thì quả là một “thảm
họa” và phá nát tiếng Việt của bao nhiêu thế hệ. Đấy là chưa nói đến
những kiểu chữ nghĩa mới phát sinh đầy rẫy trên các trang báo, các trang
sách dạy học và trong ngôn ngữ dùng lâu thành thói quen như đề xuất,
kiến nghị, bồi dưỡng, kiểm thảo, sự cố, hộ khẩu, căn hộ, ùn tắc, ô to
con, mặt bằng, phản ánh, bức xúc, nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân
v.v…hoặc nói ngược lại với những từ ngữ ông cha ta dùng từ thời xưa như
bảo đảm thành đảm bảo, hoặc nói tắt như cấp trên đã “quyết” rối có nghĩa
là đã quyết định và chấp thuận rồi và còn nhiều thứ chữ nghĩa lai căng
kiểu nửa ta nửa Mỹ nữa kể ra không hết. Chắc nhiều bạn ở nước ngoài lâu
năm nghe muốn ù tai.
Còn báo chí cũng không được nhắc tới
trong kỳ “hội thảo” này bởi ở VN hiện nay có tới 838 cơ quan báo chí, 67
đài phát thanh truyền hình với đội ngũ nhà báo lên tới 40.000
người nhưng tuyệt đối không có một tờ báo nào của tư nhân. Không hiểu
sao các ông “làm văn hóa” không bàn đến vấn đế sống còn này của giới cầm
bút. Vấn đề báo chí bị “bỏ quên” nên chưa biết đến bao giờ ở VN mới có
một tờ báo của tư nhân được quyền nói tiếng nói của mính chứ không phải
là của một cơ quan nào. Nhưng trên hết, dù là báo của ai, vẫn là vấn đề
THÔNG TIN TRUNG THỰC TẤT CẢ MỌI LOẠI TIN TỨC.
Còn bóp méo thông tin, còn
bưng bít sự thật thì tờ báo đó sẽ bị đào thải. Trong thời đại internet
phát triển rầm rộ hiện nay, không thể nào cấm cản nổi mọi người lên
internet xem mọi nguồn tin từ trong đến ngoài nước. Dù có là luật hay
quy định quyết định gì cũng thế thôi. Báo nào loan tin đúng nhất, nhanh
nhất sẽ được độc giả đón đọc. Cho nên dù không có báo chí tư nhân trong
nước thì họ tìm đến những trang báo ở nước ngoài. Đó chính là cách làm
cho thông tin nước ngoài phát triển, dù có bưng bít hay loan tin kiểu
bóp méo chỉ là mất công vô ích mà thôi. Còn về mặt sáng tác văn học hay
một cuốn sách, cuốn truyện ngắn, truyện dài, bao lâu nay có tìm được tác
phẩm nào đáng gọi là tiêu biểu đâu. Thứ văn học này coi như chìm lỉm
mất tăm.
Thảo luận đến những vấn đề “nhạy cảm” như
thế này có phần đụng chạm lung tung và bàn đến… Tết Congo cũng chưa hết
nên bàn gọn lại cho được việc.
Trở lại với những vấn đề trong cuộc “hội
thào” từ ngày 11-11 đế 12-11 tại Sài Gòn, có tới hàng trăm bản tham luận
và hơn 200 người tham dự. Trước hết tôi phải thành thật nhận định là đã
có một số ông có can đảm nói thẳng sự thật. Thứ sự thật mà lâu nay ai
cũng biết nhưng chỉ không muốn hay không dám nói ra mà thôi.
Đống nhạc rác tại VN
Mới bạn nghe một câu hát trong bài ca
khúc “Con thỏ chiên bánh” có câu hát rất.. chợ búa “Anh có một sở thích
kỳ lạ là ăn thịt thỏ. Nhưng mà anh chưa có cơ hội bỏ em vào nồi”. Hoặc
công chúng phải căng tai ra nghe “Con trai bây giờ í hả, 100 đứa thì 99
đứa không đàng hoàng, còn một đứa không đàng hoàng là gay, a ha!” trong
bài “Con gái thời nay”. Đấy là kiểu được gọi là “nhạc rác” trong cái
đống rác ở VN
Thú thật với bạn đọc, một buổi tối chẳng
có gì xem vô tình tôi bật ti vi lên xem đỡ, gặp một chương trình ca nhạc
rất “hoành tráng”, các em chân dài tóc xanh tóc đỏ nhảy múa loạn xạ,
chỉ vận một bộ bikini óng ánh để khoe hết cỡ các loại vòng 1-2-3 . Thoạt
tiên tôi cứ ngỡ là ban nhạc Hàn Quốc đang trình diễn tại VN, nhưng nghe
kỹ thấy loáng thoáng có tiếng Việt. Lúc đó mơi biết là ban nhạc “xịn”
của mấy cô trong giới showbiz làm album mới.
Tối cố gắng lắm mới nghe
được mấy câu rỗng tuyếch như “anh xa em làm em buồn tỉ tê” cứ như cái
triết lý “em không ăn thì em đói”. Và cứ những lời ca tương tự như thế
kéo dài. Tôi đành bỏ cuộc bật sang đài khác và vẫn giữ vững ý đính chẳng
bao giờ nghe loại ca nhạc “mới” này nữa cũng như chẳng bao giờ đụng đến
các loại phim VN. Tôi cứ nghĩ soạn nhạc dễ như thế thì ai chẳng “sáng
tác” được, chẳng trách ở VN đi đâu cũng gặp ca nhạc sĩ, loạn là đúng. Ca
sĩ hát và khoe thân tìm một chỗ đứng hay một cánh tay hào phóng là
chính.
Ca từ rác rưởi, ngôn từ vỉa hè sáo rỗng
TS Trần Luân Kim trong bài tham luận của
ông, đề cập đến vấn đề đạo đức ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật. Theo ông,
với sự ra đời non vội, thiếu suy tư nghiêm túc, lại rơi vào vòng xoáy
của thị trường tự do, dòng nhạc mới mẻ này bị thương tổn nặng nề bởi
hàng loạt ca từ rác rưởi, ngôn từ vỉa hè sáo rỗng, tùy tiện, lủng củng.
Có khi tục tĩu gây sốc, có khi lại sướt mướt não nề, gào thét vô vọng.
Nhạc sĩ Nguyễn Thị Minh Châu cảnh báo lối
“đào tạo tắt”, hứa hẹn giải thưởng như một dạng chứng chỉ vào nghề ở
nhiều chương trình đã làm dấy lên phong trào ăn xổi, chạy đua, nhái hàng
(nhái nhạc, nhái giọng, nhái hình thức, nhái phong cách) và sính ngoại
(hát và sáng tác bằng tiếng Anh, hoặc chơi món “xôi đỗ” cả tiếng Anh lẫn
tiếng Việt).
Ngay cả hội đồng lý luận, phê bình trung
ương – đơn vị tổ chức sự kiện này – cùng đại biểu gặp nhau ở điểm chung
khi cho rằng: Mọi lĩnh vực đời sống nghệ thuật, từ âm nhạc, sân khấu,
văn học đến nhiếp ảnh, điện ảnh… đều đang tồn đọng yếu kém, phát triển
về chiều rộng mà thiếu chiều sâu, “lỗi nhịp” trong việc định hình, mang
đến chuẩn giá trị cần thiết để xây dựng nền tảng đạo đức, phát triển đời
sống tinh thần của xã hội.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch
Vương Duy Biên nhận định một cách khái quát hơn: “Để có được một xã hội
đạo đức thì phải có những con người đạo đức. Tương tự, để có những tác
phẩm văn học, nghệ thuật đạo đức thì cũng phải có những người nghệ sĩ
đạo đức”.
Có thể nói vấn đề đạo đức trong lãnh vực
nghệ thuật đã được đưa lên hàng đầu trong cuộc “hội thảo” này. Khi mà
đạo đức xã hội đang suy đồi thì làm sao có được những nghệ sĩ có thực
tài, có tâm huyết với nghệ thuật. Khi mà văn hoá còn đang có “chiếc gậy
chỉ huy” cầm chịch, phải đi theo đường này hay đường kia, khi mà những
giới hạn được đặt ra như chiếc vòng kim cô thì nghệ thuật cũng chỉ như
con kiến bò quanh miệng lỗ mà thôi. Thế nên với hàng trăm bản tham luận
và những lời lẽ gay gắt chứa đựng một tâm trạng bất bình cao độ của giới
“làm nghệ thuật”.
Không chỉ lĩnh vực âm nhạc, đời sống nhiếp ảnh, hội họa, văn học, sân khấu… cũng có nhan nhản những “tác phẩm” giả, hàng nhái, tác phẩm kém chất lượng.
Tác giả Văn Minh Hương, Lê Đỗ Quỳnh Hương
bàn đến “Truyền hình thực tế âm nhạc và vấn đề đạo đức xã hội”, phản
ánh về một đời sống âm nhạc đang “ký sinh” trên các chương trình truyền
hình thực tế.
Chương trình truyền hình thực tế về âm
nhạc nở rộ với tên gọi na ná, cách thức chơi giống nhau, bài hát trùng
lặp, gương mặt giám khảo cũ mòn, như: Giọng hát Việt, Ngôi sao Việt, Học viện Ngôi sao, Đố ai hát, Tôi dám hát, Ai dám hát, Ngôi nhà âm nhạc…
Nhiều show, vì mục đích thương mại, đã tận dụng tối đa chiêu trò để câu
kéo khán giả, khiến giá trị âm nhạc bị đẩy xuống thứ yếu. Đó là khái
quát về âm nhạc và các chương trình truyền hình. Về phim ảnh cón bi đát
hơn.
Điện ảnh VN dột từ nóc dột xuống
Đạo diễn Đặng Nhật Minh khẳng định, nếu
nói tóm lược, điện ảnh trong nước có thể được chia làm hai giai đoạn:
giai đoạn không vì tiền và giai đoạn vì tiền. Ông nhận xét, ngay cả ở
thời kỳ nước nhà thiếu thốn, khó khăn, phim làm ra không phải vì tiền
vẫn là những tác phẩm tốt. Còn hiện tại, phim nhảm quá nhiều. “… Kể cả
các phim đoạt giải Bông Sen Vàng cũng chẳng thấy yếu tố bản sắc dân tộc ở
đâu, chỉ thấy lai căng, thương mại”.
Tuy vậy, các ý kiến “đổ lỗi” cho đồng
tiền và nền kinh tế thị trường cũng có những ý kiến trái chiều khác.
Nhiều ông cho rằng, vấn đề cốt lõi quyết định chất lượng của một tác
phẩm không chỉ nằm ở tác động của đồng tiền mà còn ở: tài năng của tác
giả, tầm nhìn chiến lược văn hóa của một quốc gia, phông văn hóa và tri
thức của người thụ hưởng tác phẩm…
Ông Đào Duy Quát, người chủ trì buổi thảo
luận ở tiểu ban Nghệ thuật cho rằng, với diện mạo chung đang “DỘT TỪ
NÓC DỘT XUỐNG”, thì trách nhiệm cần được đặt từ các cấp quản lý ngành
văn hóa đến bản thân giới văn nghệ sĩ…
Vì vậy, để đời sống văn hóa, nghệ thuật
nước nhà phát triển tốt hơn, rất cần một thời gian dài đòi hỏi nhiều nỗ
lực, can đảm trong thay đổi hệ thống về tư duy, lý luận và nhận thức
thẩm mỹ, từ đó, áp dụng chúng vào đời sống thực tiễn.
Phim càng nhảm nhí thì càng thu lắm tiền
Câu hỏi được đặt ra là tạo sao “phim
càng nhảm nhí thì càng thu lắm tiền?” Điều này đã trở thành tiêu chí
hàng đầu trong cách làm phim của các đạo diễn bây giờ? Trả lời cho câu
hỏi, chính tác giả (Đạo diễn Đặng Nhật Minh) cũng đã khẳng định điều này
là có và khiến ông phải suy nghĩ khá nhiều khi những nhận định ấy lại
được phản hồi từ một số đạo diễn và người trong nghề. Có lẽ, yếu tố kinh
doanh và lợi nhuận ngày càng lấn át hết giá trị văn hóa và nghệ thuật
chân chính trong các bộ phim đương đại.
“Có người bảo, tuy những phim đó bị gọi
là nhảm nhí nhưng đạo diễn của phim thì có tay nghề. Đây có phải là sự
ngộ nhận? Thật ra, với con mắt của người trong nghề thì họ chẳng có tay
nghề gì hết. Họ chỉ học được một vài thủ pháp, kỹ xảo của nước ngoài, mà
nhiều kỹ xảo bây giờ có thể lấy từ trên mạng xuống một cách dễ dàng.
Nếu gọi đó là nghề thì đó là nghề bắt chước”.
Lý giải cho những bộ phim “nhảm nhí” mà
hầu hết là phản ánh những câu chuyện trong giới showbiz, giới đại gia,
chân dài, ở nhà biệt thự, đi xe hơi này, Đạo diễn Đặng Nhật Minh nói:
“Làm nghệ thuật là phản ánh thực tế mà mình đang sống. Môi trường sống
của đội ngũ đạo diễn hiện nay lại chủ yếu là giới showbiz, là các ca sĩ,
là các đại gia… Môi trường sống mà họ đã từng sống như vậy nên họ phản
ánh cuộc sống trên phim như vậy là điểu dễ hiểu. Họ chẳng gắn bó gì với
nông thôn thì làm sao để phản ánh được nông thôn trên phim…”
Còn những phim bỏ ra hàng chục tỉ nhưng
không bán nổi một vé. Cụ thể như phim “Sống cùng lịch sử” của Hãng phim
truyện Việt Nam chi phí 21 tỉ đồng nhưng chiếu ở rạp có ngày không bán
nổi 1 vé. Đây là điều không còn mới bởi “Sống cùng lịch sử” cũng như
nhiều phim “cúng cụ” khác đều chịu cảnh bị khán giả ghẻ lạnh, lặng lẽ ra
rạp rồi nhanh chóng đi thẳng về kho. Cả chục tỉ đồng được đốt vào một
bộ phim, ngốn công sức của bao nhiêu người trong cả một thời gian dài
cuối cùng không có người xem thật sự là ‘thảm họa’.
Với những tiết lộ từ trong “ruột” làng
đạo diễn VN như trên thì đừng hỏi tại sao người VN quay lưng với phim
ảnh Việt Nam dù là xem miễn phí trên truyền hình có sẵn trong nhà. Vậy
người VN xem phim gì?
Có thể nói ngày cả những người ở vùng quê
bây giờ cũng chẳng ai xem phim VN nữa bởi cái sự cố “làm mới” phim ảnh
nên trở thành lai căng vốn có của nó với các nữ diễn viên tay ngang,
chân dài và các chàng công tử nửa mùa, bắt chước các chàng trai Hàn
Quốc. Còn phim hài thì càng tệ, lại những khuôn mặt cũ rích với lối chọc
cười dung tục, chỉ thấy quát nạt la lối om xòm, phùng mang trợn mắt, xỏ
xiên không thể chấp nhận được. Những nhà ở thành thị như tiểu thương,
trung lưu, nếu có con nhỏ, họ mở các đài chuyên về phim hoạt hình cho
con cái. Còn người lớn hầu hết xem phim Hàn, hoặc phim Tàu Hồng Kông,
Đài Loan, Philippines hoặc phim Mỹ phim Pháp.
Phim Hàn Quốc đang xuống dốc thê thảm
Vài năm trước đây, nhà nào cũng xem phim
Hàn Quốc, nhưng bây giờ phim Hàn Quốc trên các đài truyền hình VN khó
mà tìm được một phim đáng xem. Phim Hàn đang xuống dốc thê thảm. Hầu hết
là phim cũ được chiếu đi chiếu lại từ đài này qua đài khác. Có lẽ vì
phim Hàn một thuở được xem là đắt hàng nhất đối với người Á châu ở nhiều
nước trên thế giới chứ chẳng riêng gì ở VN. Ví thế nên họ cố sản xuất
cho thật nhiều, nhiều đến nỗi phải vơ bèo gạt tép, nhặt nhạnh cả những
tài tử xấu xí chỉ cho ăn diện đẹp làm quảng cáo cho thời trang của họ.
Còn truyện phim cứ na ná giống nhau với “đặc điểm” là cảnh nào cũng có
ăn nhậu, uống rựu và uống liên miên, già trẻ lớn bé gì cũng uống bất kể
trong trường hợp nào. Lại chuyện ông giám đốc bà giám đốc với con chung
con riêng, con đi lạc và những mối tình hợp rồi tan, tan rồi hợp, mất
trí vào bệnh viện. Phim nào cũng cố kéo dài lê thê hàng trăm tập, cứ
nhòa nhòa nhạt nhạt, nhắc đi nhắc lại phát sốt ruột.
Về tình tiết dẫn dắt truyện phim thì đầy
rẫy những chuyện vô lý cũng cứ thản nhiên đưa vào phim miễn làm sao cho
nó lâm ly bi đát, gay cấn là được. Khán giả không ngu gì mà thưởng thức
mãi những chuyện phi lý như thế. Vừa xem phim vừa bục mình nên khán giả
Việt bây giờ cũng bắt đầu quay lưng với phim Hàn Quốc. Họ tìm đến các
phim các nước khác. Nhưng hầu hết các Đài TH VN cũng chỉ có một lô phim
cũ, cũng mang ra xào đi nấu lại, rất ít khi có phim mới. Có thể
nói khán giả VN đang “đói phim ”. Nếu phim Hàn cứ cái đà xuống dốc này
cũng sẽ rơi vào loại “thảm họa” trong một ngày không xa.
Một thứ “tệ nạn” nữa là các chương trình
chiếu phim thường lợi dụng để quảng cáo đủ thứ hầm bà làng. Cứ 15 phút
chiếu phim lại có khoảng từ 5 phút có khi đến 10 phút chiếu quảng cáo.
Tính ra một buổi tối xem phim, phải xem đến vài chục lần quảng cáo như
nhau, nhẵn mặt nọi nhân vật, khiến khán giả muốn… chửi thề. Một ông bạn
tôi nói “Nếu cái ti vi biết đẻ thì đã có hàng tỉ tỉ chiếc ti vi con ra
đời rồi”. Đúng là các đài này không biết ngượng với khán giả của mình,
họ cứ trơ tráo kiếm tiền, còn thích hay không cũng mặc, bề nào anh cũng
phải thuê một đài chứ chẳng lẽ ti vi để không.
Sách luật hay chuyện khôi hài
Chuyện “văn hóa khôi hài” mới nhất đang
gây nhiều tiếng cười nhất lại là một cuốn sách hướng dẫn cho người dân
cách thi hành luật. Đó là cuốn “Bộ luật dân sự và văn bản hướng dẫn thi
hành 2014″. Có thể hiểu đó là loại sách thuộc loại đứng đắn.
Tuy nhiên ảnh bìa của cuốn sách lại in
hình chụp một người thật, hai tay cầm hai cán cân và đứng trên một quả
cầu lửa, trên người chỉ mặc chiếc quần lót. Ảnh được cho là cắt ghép lấy
khuôn mặt của diễn viên chuyện chọc cười Công Lý ghép vào thân hình
nào vào đó. Cuốn sách này do Nhà xuất bản Lao động – Xã hội in 1.000
cuốn được bày bán tại các tiệm sách trên toàn quốc. Cuốn sách đã được
kiểm duyệt, in xong và nộp lưu chiểu cũng như phát hành ra thị trường
vào tháng 7/2014 (cách đây 4 tháng).
Giám đốc NXB Lao động – Xã hội,
cho biết cuốn sách này do chi nhánh nhà xuất bản ở TP Sài Gòn thực
hiện. Trưởng đại diện Nhà xuất bản Lao động – Xã hội tại Sài Gòn cho
biết, cuốn sách đã có lệnh thu hồi, tính đến ngày 17/11 đã thu hồi
được 270 cuốn.. Hiện tại, nhà xuất bản tiếp tục cho người đi rà soát,
nếu còn cuốn nào sót sẽ tiếp tục thu hồi và đã xin lỗi diễn viên hài
Công Lý.
Có lẽ bìa sách xuất phát từ cách nói hài
hước phổ biến trong dân chúng rằng “công lý chỉ là tên một diễn viên
hài”. Dù nhìn theo cách nào thì đây đúng là một chuyện khôi hài thuộc
loại đứng đầu thời đại. Tôi không thể hiểu nổi cái đầu của những nhà
được gọi là trí thức của luật pháp ra sao nữa. Chẳng trách án oan ngày
càng nhiều, dân càng khổ.
Thật buồn cho văn hóa và đạo đức Việt Nam. Còn nhiều chuyện để bàn về vấn đề này, tôi sẽ tường thuật tiếp vào số báo sau.
Văn Quang – 21-11-2014
No comments:
Post a Comment