Đến rạng sáng 26-11, trời Sài Gòn vẫn mưa như trút nước, nhiều người không về được nhà - Ảnh: HỮU THUẬN
23h đêm 25-11, trời vẫn mưa như trút nước. Khu vực ngập nặng nhất Sài Gòn thời điểm này có lẽ là đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh). Đường lớn hẻm nhỏ khu vực này đều ngập cao ít nhất nửa mét.
Nước ngập ngăn lối về nhà
Hai vợ chồng Thủy và Hoàng nhà ở quận 8 (TP.HCM) thất thểu đẩy xe máy tìm khách sạn nghỉ lại. Sau hai tiếng đẩy xe giữa dòng nước ngập tìm chỗ sửa nhưng bất lực, hai vợ chồng mặt mày trắng bợt, thở không ra hơi.
Hoàng cho biết lúc đến đường Nguyễn Hữu Cảnh thì bị nước vây, rồi té ngã, điện thoại, ví tiền đều chìm trong nước.
Thật ra, nếu thoát khỏi đường Nguyễn Hữu Cảnh ờ Bình Thạnh, vợ chồng Thủy - Hoàng có lẽ vẫn không về nhà được vì cửa ngõ ra vô quận 8 là từ ngã tư Trần Hưng Đạo - Nguyễn Biểu đến cầu chữ Y đã thành một biển nước với hàng trăm xe máy chết máy ở đây lúc 0h sáng 26-11.
Và trên đường đến đây, chắc chắn hai vợ chồng phải qua hàng chục điểm ngập khác rải khắp các nẻo đường khu trung tâm TP.HCM.
Xe chết máy, hàng ngàn người dân dắt bộ trong đêm
Từ đêm 25 đến sáng 26-11, có thể nói không con đường nào ở khu vực nội thành TP.HCM không có cảnh dắt bộ xe máy chết máy.
Ở đường Nguyễn Hữu Cảnh, đường D2 nay là đường Nguyễn Gia Trí, đường Bạch Đằng (quận Bình Thạnh), đường 3 tháng 2 (quận 10)... 3h sáng 26-11 vẫn còn ngập sâu.
Người dân vẫn còn cố gắng đẩy từng chiếc xe chết máy ra khỏi vùng nước ngập. Xe hơi chết máy xếp hàng dài. Nhiều bác tài đợi từ 18h tối hôm trước vẫn chưa được về nhà.
Ông Huỳnh Minh Hùng, chạy xe hơi kẹt ở đầu đường D2 từ lúc 18h dù nhà ở đường D5. Đến gần 2h sáng, ông vẫn còn đợi nước rút để về được nhà.
“Xe chú lườn thấp nên không vào được. Đường này còn ngập sâu quá. Chiều chú đã đi tìm chỗ gửi nhưng tất cả đều hết chỗ. Nếu gửi được xe đi bộ thì chú về nhà lâu rồi. Bây giờ vẫn phải đợi chứ biết sao giờ, đợi cho nước rút, triều cường xuống”, chú Hùng nói.
Cùng hoàn cảnh với chú Hùng là nhiều tài xế xe hơi xếp hàng dài đợi ở đầu đường D2 và không biết đợi đến lúc nào nước rút để đi được về nhà khi đã hơn 2h sáng.
Một tài xế xe hơi khác cũng bật đèn nháy giữa đường 3 tháng 2, ngay trước cổng Học viện Hành chính quốc gia để đợi. Anh cho biết đi từ sân bay Tân Sơn Nhất đe73 về nhà bên Phú Mỹ Hưng, Q.7.
Đến 3 đường 2 thì ngập nặng, không di chuyển được.
“Không tìm được chỗ gửi xe hơi, rồi bắt xe máy về nhà. Ngủ trong xe vài tiếng nữa xem tình hình nước có rút không thì về”, anh nói.
Dọc theo con đường này là khá nhiều những xe hơi chết máy xếp hàng. Dọc vỉa hè, những chiếc taxi ngập lút bánh đậu hàng dài. Hơn 2g sáng mà nhiều người vẫn còn dắt bộ khó khăn qua đoạn đường ngập nặng.
Gần 3h sáng, TP.HCM vẫn còn mưa. Từ chiều qua đến tối khuya hầu như không ai đặt được Grab vì tài xế không nhận cuốc.
Bắt chuyện với một tài xế Grab mới biết, nhiều tài xế không nhận cuốc vì không nắm rõ đoạn đường khách đi có ngập hay không, lỡ ngập mà không đưa khách đến đúng điểm đến trên hệ thống thì sẽ bị phản hồi xấu trên hệ thống.
Tiệm sửa xe quá tải
Gần 3h sáng tiệm sửa xe Việt Phát trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q.Bình Thạnh) vẫn còn hơn chục xe bị hư máy chờ được sửa - Ảnh: TRẦN MAI
Những người lâm cảnh như Hoàng và Thủy có ở khắp các ngả đường. Xe máy, xe hơi đủ loại để la liệt trên đường, bất kỳ chỗ nào.
2h30 sáng, tiệm sửa xe V.P. trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q.Bình Thạnh) vẫn đông nghẹt người. Chủ tiệm sửa xe cho biết hôm nay là "ngày lịch sử". khi những người thợ sửa xe làm không ngơi tay suốt đêm.
Ông Nguyễn Thắng, 48 tuổi, ở Bình Quới) lên khu vực chợ Văn Thánh làm việc theo ca từ 18h nhưng gặp nước ngập nên xe chết máy. Đến 3h sáng, ông vẫn cố chờ đến lượt sửa xe để có thể về nhà.
Vật vờ giấc ngủ, người lạ thành quen
Trận mưa lịch sử ở Sài Gòn khiến không biết bao nhiêu người mệt mỏi, dễ dàng bắt gặp những người ngồi co ro ngủ ngon lành bên mái hiên. Có lẽ vì họ quá mệt mỏi, giấc ngủ chập chờn ấy dù chẳng ngon lành gì nhưng cũng đỡ sự căng thẳng sau một ngày vật lộn với "thủy thần".
Trên đường D2 (Q.Bình Thạnh) nhiều nhóm người trẻ tụ lại bên các mái hiên trò chuyện. Những chiếc xe cứ để sấp ngửa dười nền nước.
Khoảng 20h tối qua 25-11, Phương đang cố giữ ga không cho nước vào bô để vượt qua điểm ngập tới yên xe thì vướng vào Hiếu đang cố dắt chiếc xe chết máy qua đoạn nước ngập sâu nhất đường D2.
Thế là xe cả hai dắt xe vào hiên nhà ngồi thở và trò chuyện với nhau đến tận 2h sáng chờ nước rút bớt để về nhà.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương (60 tuổi, số nhà 39 đường Bạch Đằng) thức trắng đêm ngăn nước tràn vào nhà - ẢNh: TRẦN MAI
Trong tiếng nước ồn ào tạo thành sóng khi có một vài chiếc xe hơi lao qua, người Sài Gòn cũng chẳng thể ngủ được, bà Nguyễn Thị Lan Hương (60 tuổi, số nhà 39 đường Bạch Đằng) đến 3h sáng vẫn tiếp tục tìm cách ngăn không cho nước tràn vào nhà dù mưa đã bắt đầu ngớt.
Gần sáng bà vẫn phải thức. "Tôi phải canh cho đến khi nào nước rút đi mới thôi, chớ mưa còn chưa dứt là chưa an tâm", bà Hương nói và lấy tấm bạt chèn dọc trước mặt nhà.
Cuộc chiến trong hẻm phố
Ông Huỳnh Quang, hẻm 306 Xô Viết Nghệ Tĩnh, Q.Bình Thạnh, bất lực nhìn nước tràn vào nhà - Ảnh: TRẦN MAI
Cuộc sống ngoài các đường lớn bị ngập đã khốn khổ thì trong các hẻm phố, người dân lại càng khốn khổ hơn, nước lên thì nhanh mà rút đi thì quá lâu. Ông Huỳnh Quang, ở hẻm 306 Xô Viết Nghệ Tĩnh, Q.Bình Thạnh) xài hai máy bơm nhưng vẫn không thể nào đẩy nước ra khỏi nhà.
Ông Quang đã hai lần nâng nền nhà, khổ một nỗi nhà ông nâng thì đường cũng nâng. Bên chén trà nóng lúc 2h sáng, ông Quang bảo mưa tụ nước một phần, nước từ dưới cống túa lên mới là chính.
Trước kia khu của ông sống không thể ngập được, xung quanh đầy ao hồ, kênh rạch cũng rộng thoáng hơn. Bây giờ, những khu dân cư ngày một nhiều, họ lấp ao hồ làm nhà cao tầng.
Rời nhà ông Quang, những hẻm đầy nước vẫn còn nhiều người dân khép hờ cánh, chờ ngớt mưa.
Ông Nguyễn Bản - hẻm 306 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh làm nghề bán gạo. Dù đã theo dõi thời tiết và chủ động ứng phó thế nhưng vẫn bị ướt hơn 1 tấn gạo.
"Tôi thuê bốn người khiên bao cát chặn trước nhà, rồi huy động người nhà kê gạo lên cao. Nhưng mà kê không kịp, nước lên quá nhanh", ông Bản cho biết.
Đảo lộn hoàn toàn cuộc sống, từ chợ búa đến hàng quán, sáng 26-11, có lẽ người Sài Gòn sau một đêm trắng chống ngập lụt từ nhà ra đường vẫn chưa hết bàng hoàng...
**
Ôtô chết máy nằm ngổn ngang trên đường từ đêm tới sáng
Ôtô chết máy nằm ngổn ngang trên đường Phan Huy Ích, quận Tân Bình từ đêm 25-11 đến sáng 26-11 - Ảnh: NGỌC KHẢI
Trên đoạn đường khoảng 1km, nhiều cửa hàng vẫn chưa thể hoạt động, hàng chục ôtô ngập nước chết máy nằm ngổn ngang trên đường.
Người đi đường khổ sở dắt xe máy bì bõm trên đường ngập. Hầu hết các xe máy qua đoạn trên đều chết máy. Nhiều người chạy xe đạp và xe máy bị nước lùa té ngã.
Sống 13 năm trên đường Phan Huy Ích gần kênh Hi Vọng, ông Nguyễn Hữu Bình (41 tuổi, quê Thừa Thiên - Huế) cho biết chưa bao giờ ông chứng kiến cảnh ngập sâu như lần này.
Ông Bình cho biết từ 5h chiều qua, khu này ngập khá sâu, đỉnh điểm là tầm 10h tối đến sáng nay.
"Bình thường ngập 3-4 tiếng đồng hồ là hết, lần này ngập từ 5h chiều qua đến giờ. Nước ùa vào trong nhà 30-40 cm, còn ngoài đường thì sâu đến bụng tôi. Tối qua tôi phải thuê khách sạn cho hai đứa con ở, còn tôi ngồi đây đến sáng để canh nhà không ngủ được gì. Nhà tôi bán đồng hồ, ổ khóa và hủ tiếu, ngập hôm qua đến nay không buôn bán được gì" - ông Bình nói.
Sáng 26-11, nhiều người dự đám cưới ở nhà hàng trên đường Phan Huy Ích từ tối qua mới lọ mọ lội nước ra về.
Bà Nguyễn Thị Hảo (ngụ quận Gò Vấp) cho hay: "Tối qua tôi đi đám cưới con bà sui, đường ngập quá không về được nên tôi nằm trong sảnh của nhà hàng ngủ giờ mới về được".
Bà Nguyễn Thị Hảo (bên phải, ngụ quận Gò Vấp) cùng người thân bì bõm từ nhà hàng tiệc cưới về nhà vào sáng 26-11 - Ảnh: NGỌC KHẢI
Trong lúc đường Phan Huy Ích ngập nước sáng 26-11, phía trên một cột điện phát ra tiếng kêu lẹt xẹt kèm khói bốc lên khiến một số người dân lo lắng.
"Xe tôi lái không chết máy nhưng bị kẹt ở đây do các ôtô khác chết máy" - tài xế xe bồn Phạm Văn Hùng (28 tuổi, quê Bình Định nói - Ảnh: NGỌC KHẢI
Nhiều ôtô ngập nước chết máy đành "chịu trận" nằm chờ từ tối 25-11 đến sáng 26-11 - Ảnh: NGỌC KHẢI
No comments:
Post a Comment