Danh Ngôn

Danh Ngôn

Lời Vàng ý Ngọc

Lời Vàng ý Ngọc

Tuesday, May 16, 2017

Đức Tin Là Một Hồng Ân

 

LINH MỤC NGUYỄN VIẾT CHUNG

 
MỘT BÁC SĨ PHẬT GIÁO TRỞ THÀNH LINH MỤC
 
Linh mục Augustinô Nguyễn Viết Chung nguyên là một bác sĩ Phật giáo, chuyên môn về Da Liễu. Khi lên 18 tuổi, nhân đọc một bài báo nói về cái chết của Đức Cha Jean Cassaigne tại trại phong Di-Linh, cậu Chung cảm thấy cuộc sống đó quá tốt đẹp và vô tình Đức Cha Jean Cassaigne đã trở thành thần tượng của cậu. Khi nhắc lại đoạn đời đó, cha Chung cho biết là ngài được rao giảng Tin Mừng bằng đời sống, chứ không phải bằng lời nói. Từ đó cậu Chung có ý nguyện học làm bác sĩ để phục vụ bệnh nhân phong như Đức Cha Jean Cassaigne.
 
Khi bắt đầu học năm thứ nhất y khoa, nhân dịp tham dự Thánh lễ khai khóa của linh mục giáo sư bác sĩ Lischenberg, cậu Chung nhận thấy con người khoa học uyên bác của giáo sư Lischenberg đã biến thành một linh mục khả kính, trang nghiêm siêu thoát, chìm đắm trong cõi phúc lạc thần thiêng… Ơn gọi làm linh mục của cha Chung đã chớm nở từ đó.

Khi bác sĩ Chung phục vụ tại trại phong Bến Sắn, Dì Hai Loan thuộc Tu Hội Nữ Tử Bác Ai là Phó Giám Đốc. Dì là người đã phục vụ ở đây gần 17 năm, bất ngờ ngã bệnh ung thư và mất đi sau mấy tháng. Khi Dì hấp hối, bác sĩ Chung đang sửa soạn để đi với bác sĩ Quang, bác sĩ Bích Vân lên trại phong Di-Linh khám mắt cho bệnh nhân. Vì xe chưa tới, bác sĩ Chung tiếc nuối những giây phút cuối cùng còn lại với Dì Hai Loan nên đã trở lại giường bệnh của Dì. Lúc đó Dì Hai Loan mở mắt ra, nhìn bác sĩ và đôi môi mấp máy như muốn nói điều gì. Dì Mười hiểu được, liền nói: “Chung, Dì Hai Loan nói, tại sao chưa đi?”
 
Khi kể lại kỷ niệm nầy cho tôi, cha Chung đã dùng những ngón tay phải chỉ vào cánh tay trái và cho biết lúc đó cha cảm thấy bị rởn da gà lên. Sau đó, bác sĩ Chung đã về dự tang lễ của Dì Hai Loan và đã quyết định theo đạo. Một năm sau nữa bác sĩ Chung đã vào tu ở Tu Hội Truyền Giáo Thánh Vinh Sơn và đã nhận lãnh Thánh chức linh mục hơn một năm nay.
 
Ba vị đã tác động mạnh mẽ trên Ơn Gọi của cha Chung là giám mục Jean Cassaigne, linh mục Lischenberg và Dì Hai Loan. Cả ba cùng có một mẫu số chung – như lời cha Chung – đó là họ đã rao giảng Tin Mừng cho cha bằng cuộc sống chứ không phải bằng lời nói!
 
Nguyện ước của cha Chung là được phục vụ bệnh nhân phong và bịnh nhân Aids rồi cuối cùng ngã bệnh giữa những bẹnh nhân mà cha yêu thương phục vụ, đúng như lời Chúa Kitô đã phán dạy: “Không có Tình Yêu nào cao trọng cho bằng hy sinh mạng sống mình vì kẻ mình yêu!”
 
Địa chỉ của linh mục Augustinô Nguyễn Viết Chung:
479/15 Nguyễn Kiệm, phường 9, quận Phú-Nhuận,
Thành phố Hồ-Chí-Minh.
Điện thoại: (08) 990-4980
Địạ chỉ email: vinhson@hcmc.netnam.vn
 
NHỮNG TRỞ NGẠI VỀ PHÍA GIA ĐÌNH
 
Đáp câu hỏi của tôi là trên con đường theo Chúa, có những trở ngại lớn lao nào về phía gia đình không? Cha cho biết gia đình của cha là một gia đình nghèo. Đời sống gia đình thường xảy ra cảnh “cơm không lành, canh không ngọt”. Điều đó đã ảnh hưởng cha từ thuở thiếu thời nên cha đã có ý định đi tu vì nhận thấy đời sống gia đình không mang lại hạnh phúc.
 
Khi làm bác sĩ, trong hai năm đầu cha đã hành nghề để có thể trả nợ cho gia đình. Trong những năm kế tiếp, cha đã giúp đỡ những người em ăn học và hiện có một em trai là bác sĩ chuyên môn về phổi. Người em nầy đã thay thế cha phụng dưỡng hai cụ thân sinh.
 
Khi còn là tu sĩ, chưa được thụ phong linh mục, một ngày kia được tin cụ thân sinh bệnh, cha đi xe đạp về thăm. Vừa vào nhà, cụ thân sinh liền quở trách cha là một người “không biết nhục”. Theo lời cụ, các bạn bè của cha đều đi xe hơi, xây nhà lầu hai ba tầng cho bố mẹ ở. Còn cha, cha lại đạp chiếc xe đạp cọc cạch về thăm nhà!
 
Trước đây khi cha ngõ ý với cụ bà là muốn đi tu thì cụ bà rất vui, vì tưởng cha tu theo Phật giáo. Nhưng khi biết cha sẽ tu theo Công giáo thì cụ bà giữ im lặng.
 
Sau khi được thụ phong linh mục vài ba hôm, cha về thăm gia đình. Mới bước vào nhà, cụ bà cất tiếng nói: “Mẹ có điều nầy muốn nói với con.” Cha vội kéo ghế mời cụ bà ngồi rồi nói: “Thưa Mẹ, xin Mẹ cứ nói, con xin nghe.” Bấy giờ cụ bà đáp: “Mẹ muốn nói với con điều nầy là đạo Mẹ, Mẹ giữ, đạo con, con giữ.” Cha liền thưa: “Xin Mẹ cứ giữ đạo của Mẹ. Con không bao giờ dám có ý nghĩ là sẽ khuyên bảo Mẹ theo đạo của con.”
 
NHỮNG THỬ THÁCH TRÊN HÀNH TRÌNH TU TRÌ
 
Đáp câu hỏi của tôi là trong thời gian đi tu cũng như làm linh mục, có lúc nào cha cảm thấy những thử thách quá lớn và nảy sinh ý định muốn bỏ cuộc? Cha đăm chiêu nhìn tôi một phút rồi chậm rãi trả lời: “Thật ra ở giai đoạn nào trong đời sống tu trì cũng đều có những cám dỗ riêng: từ nhà tập đến khấn tạm rồi khấn trọn đời và làm linh mục. Nhưng nếu tu sĩ biết tuân giữ ba lời khấn là vâng lời, khiết tịnh và khó nghèo, đọc kinh Nhật Tụng, suy gẫm Phúc Am…thì sẽ vượt qua những cơn cám dỗ.”
 
Cha Chung còn chia sẻ với tôi đôi điều có tính cách riêng tư nhưng có phần nào ray rứt tâm can. Trong giờ phút cảm động đó, tôi đã đưa tâm hồn lên với Chúa, cầu nguyện cho cha Chung và cho tất cả các linh mục cũng như nam nữ tu sĩ, đã trải qua những giây phút cô đơn trong cuộc đời tu trì, bằng lời kinh “Phút Cô Đơn”, của Ludovic Giraud, (sách LKĐNTNK, trang 49-50):
 
“Lạy Chúa,
Con dâng lên Chúa những giờ phút cô đơn
Đôi lần đến với con trong cuộc đời.
 
Con dâng lên Chúa
Lúc con phải làm việc một mình:
Trong sự tẻ nhạt của bổn phận nặng nề
Mà không có lấy một sự khích lệ đỡ nâng
Trong cộng đoàn.
 
Con dâng lên Chúa
Những lúc cô đơn,
Mò mẫm đi tìm trong hoài nghi,
Khi không còn biết con đường
Mình đang theo đuổi sẽ dẫn đến đâu
Và trên đó bóng đêm bao trùm.
 
Con dâng lên Chúa
Những giờ phút con phải
Đau khổ âm thầm một mình,
Dù đang ở giữa những kẻ mà con phải
Bày tỏ Chúa cho họ và bị vô ơn hất hủi,
Do thờ ơ và thiếu cảm thông.
 
Con dâng lên Chúa
Những giây phút con phải yêu một mình
Giây phút thật nặng nề
Khi trái tim con khắc khoải,
Đi tìm sự tương giao
Mà không gặp thấy trong lòng người khác.
Và trong lòng những người con ưa thích
Tìm thấy một sự no thỏa mà không nếm cảm được.
 
Con dâng lên Chúa
Những giờ phút con phải đau khổ một mình,
Những giây phút Giếtsêmani của bản thân con.
Và chính trong những lúc ấy,
Lạy Chúa, con ước ao được nên giống Chúa.
 
Cũng như Chúa,
Con ước muốn và cầu xin
Cho chén khổ nầy ra khỏi con,
Nhưng xin Chúa cho con sức mạnh
Để chế ngự mình
Mà vâng theo Thánh ý Cha,
Đấng Chúa yêu ngàn đời,
Cả khi Ngài chấp nhận thấy con đau khổ.
 
Lạy Chúa,
Xin đừng theo ý con
Nhưng cho ý Cha được thể hiện Amen.” 

(Trích đăng từ bài viết "Sau ba thập niên" của tác giả Hương Vĩnh)
**

Đức Tin Là Một Hồng Ân
 

BS PHẬT TỬ THÀNH LM CÔNG GIÁO =Cha Augustino Nguyễn Viết Chung CM= (1955-2017)

Một ngày vào năm 1973, các báo ở Sài gòn đồng loạt đưa tin về cái chết của Jean Cassaigne, một người Pháp, nguyên là Giám Mục Sài gòn nhưng lại qua đời tại một trại phong ở Di Linh, một nơi đèo heo hút gió trên đường từ Sài gòn đi Đà Lạt. Nguyễn Viết Chung đọc tiểu sử của vị cố Giám Mục trên báo và không hiểu do đâu anh lại mong muốn được nên giống ngài ở chỗ phục vụ người cùng khổ cho đến hơi thở cuối cùng. Anh chẳng biết gì về Đạo Công giáo, thế mà Đức Cha Cassaigne lại là thần tượng của anh.
Năm 1974. Chung học Y Khoa Đại Học Sài gòn. Tại đây anh gặp người công giáo đầu tiên trong đời anh, giáo sư bác sĩ Lichtenberger người Bỉ, dạy môn Mô phôi học. Chung ngưỡng mộ sự uyên bác khoa học vô song của ông. Các bài giảng vô cùng sinh động và phong phú của nhà khoa học uyên thâm một cách lạ lùng làm cho Chung mê mẩn. Chung kinh ngạc khám phá vị giáo sư khả kính này là một Linh Mục dòng tên. Anh thường cùng các bạn trường Y đến nhà thờ để xem Giáo sư Lichtenberger dâng lễ.
Những năm học Y khoa không phải là dễ dàng đối với Nguyễn Viết Chung anh phải làm thêm nhiều việc nặng nhọc kể cả đạp xích lô để kiếm tiền ăn học và phụ giúp gia đình.
Năm 1984, bác sĩ Chung khi đó 29 tuổi, xin được bổ nhiệm lên trại phong Di Linh để thực hiện giấc mơ lớn nhất của đời anh. Nhưng theo đúng thủ tục hành chánh thì anh phải trình diện và chịu sự điều động của Sở Y tế Lâm Đồng. Bà trưởng phòng ngạc nhiên hỏi:
– Anh có điên không hay là anh bị cùi?
– Nếu tôi cùi thì bà đã thấy rồi. Còn có điên hay không thì tôi không biết, nhưng điều tôi biết là tôi mong muốn phục vụ những người cùi.


   Từ ngày 01-7-1986 anh về làm việc tại phòng chống sốt rét của tỉnh Đồng Nai cho tới năm 1989. Từ năm 1990-1992 đổi về làm tại phòng xét nghiệm của bịnh viện da liễu Sài gòn. Ở đây anh xin học thêm chuyên khoa da liễu, vì anh không bao giờ anh quên mộng ước của mình.
Năm 1993 Bác sĩ Chung tình nguyện lên công tác tại trại Phong Bến Sắn, Bình Dương. Tại đây, anh làm việc hăng say như để đạt được tâm nguyện của mình giống như Đức Giám Mục Cassaigne trong việc phục vụ bịnh phong cùi. Anh hết sức tận tụy không nề hà. Nhưng dù như thế anh vẫn thấy mình thua xa các nữ tu nữ tử Bác ái trong việc yêu thương phục vụ người bịnh. Các nữ tu luôn nhẫn nại lắng nghe phục vụ người bịnh hết lòng, không bao giờ làm họ buồn tủi. Tinh thần hy sinh, quảng đại đó khiến cho anh cảm phục. Anh cho rằng muốn có được tinh thần yêu thương người nghèo khổ như thế, anh phải trở thành một người giống như các nữ tu. Anh chưa phải là người công giáo, nên anh không thể hiểu được tinh thần làm việc của các Sơ. Anh cũng muốn được phục vụ với tinh thần giống như các Sơ.
Ngày 28-8-1993 bác sĩ Chung đến gặp Cha Hoàng văn Đoàn, dòng tên, tại Bình Dương xin học giáo lý tân tòng. Ngày 15 tháng 5 năm 1994 bác sĩ Chung được cha chính xứ Bến Sắn, Linh mục Trần Thế Thuận làm lễ rửa tội cho anh tại nhà nguyện trại phong Bến Sắn. Nhưng bác sĩ Chung không hài lòng khi chưa được trở nên giống các Sơ để có thể yêu thương phục vụ người nghèo. Ở tuổi tứ tuần theo đuổi ơn gọi tu sĩ là một điều quá khó khăn.
Ngày 15.9.1994 bác sĩ Chung trở thành tập sinh lớn tuổi nhất của dòng Vinh Sơn nam số 40 đường Trần Phú, Đà Lạt. Ngày lễ truyền tin 25.3.2003 Giáo hội trao tác vụ Linh mục cho thầy Augustinô Nguyễn Viết Chung qua lễ đặt tay của Giám mục Giuse Vũ Duy Thống tại nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sài gòn.
Ngày 3.4.2003, Linh Mục Nguyễn Viết Chung quay về trại phong Bến sắn dâng Thánh lễ tạ ơn trong sự hân hoan của các bịnh nhân phong với sự hiện diện của cha sở Bến sắn, người mà 9 năm trước đây đã làm lễ rửa tội cho cha. Vẫn thái độ khiêm nhường, yêu thương và cung kính với các người bịnh vẫn xưng mình là “con” khi nói chuyện với các bịnh nhân lớn tuổi.
Tháng 3 năm 2009 tôi có về Sài gòn có dẫn người cháu đến thăm Linh mục Nguyễn Viết Chung, cha dong dỏng cao, hơi ốm, nói năng nhỏ nhẹ: “ “con” cũng chỉ là cái máng để hứng lấy tình yêu thương của mọi người để mang đến cho những người kém may mắn”.
Nhà văn Hương Vĩnh có viết: “Ba vị đã tác động mạnh mẽ trên ơn gọi của cha Chung là Giám mục Jean Cassaigne, Linh mục Lichetenberger và Dì hai Loan (phục vụ trại phong Bến Sắn 17 năm, chết vì bịnh ung thư ở tại trại này). Cả ba cùng có mẫu số chung – như lời cha Chung – đó là họ đã rao giảng Tin Mừng cho cha bằng cuộc sống chứ không phải bằng lời nói”.
Trong bài “Nguyễn Viết Chung và tiếng gọi của Chân Thiện Mỹ”cố Giáo sư Trần Duy Nhiên đã viết trong đoạn kết của bài này như sau:
“Thiên Chúa đã đến trong cuộc đời Nguyễn Viết Chung bằng những bước đi nhè nhẹ. Nhưng mỗi lần Ngài đến là Ngài để lại dấu ấn sâu sắc trong một tâm hồn biết lắng nghe. Giữa bao nhiêu thần tượng trên thế gian. Nguyễn Viết Chung biết chắt lọc một vài khuôn mẫu định hướng cho cuộc đời mình: Đức Cha Cassaigne, Cha Lichtenberger, Dì Hai Loan… đấy là chưa kể đến nhiều người khác trong đó có thân mẫu của mình một người mẹ đã suốt đời âm thầm chịu đựng cho đến khi mù lòa. Giữa các gương mặt ấy có một nhân vật gần giống như Nguyễn Viết Chung: Linh Mục Bác sĩ Marcel Lichtenberger. Thế nhưng con đường Chúa dẫn hai vị đi thì hoàn toàn trái ngược nhau. Năm 25 tuổi Cha Lichtenberger vì tình yêu Thiên Chúa thúc bách phải đến với những con người bất hạnh tại Trung Hoa. Và trước những thương tích của Chúa Kitô thể hiện trên hình hài các bịnh nhân, cha đã trở về ngồi lại trên ghế nhà trường để rồi trở thành bác sĩ năm 48 tuổi. Ngược lại, bác sĩ Nguyễn Viết Chung tốt nghiệp bác sĩ năm 25 tuổi, thế rồi muốn chia sẻ trọn vẹn sự khốn cùng của bịnh nhân nên rốt cục đã gặp Chúa Kitô chịu đóng đinh trong những con người bất hạnh. Và điều này khiến cho vị bác sĩ tận tâm kia từ bỏ mọi sự để trở thành Linh Mục của Chúa vào tuổi 48.”
Phùng văn Phụng
**

Cáo Phó Bác sĩ Phật giáo trở thành Linh Mục - Cha Augustinô Nguyễn Viết Chung


Được Chúa gọi về vào lúc 18 giờ 18 phút, ngày 10.05. 2017,Tại Nhà Sài Gòn (Tu hội Truyền Giáo Thánh Vinh Sơn – Phụ Tỉnh Việt Nam)Số 479/15 Nguyễn Kiệm, phường 9, quận Phú Nhuận, Tp. HCM. Hưởng thọ: 62 tuổi.

Cáo Phó Bác sĩ Phật giáo trở thành Linh Mục   Cha Augustinô Nguyễn Viết Chung
Cáo Phó Bác sĩ Phật giáo trở thành Linh Mục Cha Augustinô Nguyễn Viết Chung
CÁO PHÓ
Giáo Phận Kon Tum, Tu Hội Truyền Giáo Vinh Sơn CM
và Tang quyến kính báo:
 Linh mục AUGUSTINÔ NGUYỄN VIẾT CHUNG, CM
Sinh ngày: 07.09.1955
Rửa tội và Thêm Sức ngày 15 tháng 05 năm 1994
  Nhập dòng: 01.10.1994
Vào Nhà Tập: 01.10.1996
Quyết Tâm (Khấn lần đầu): 01.10.1997
Khấn trọn: 25.08.2001
Phó Tế: 25.06.2002
Linh mục: 25.03.2003
đang phục vụ tại Giáo Xứ Đăk Tân, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum
Được Chúa gọi về vào lúc 18 giờ 18 phút, ngày 10.05. 2017,
Tại Nhà Sài Gòn (Tu hội Truyền Giáo Thánh Vinh Sơn – Phụ Tỉnh Việt Nam)
Số 479/15 Nguyễn Kiệm, phường 9, quận Phú Nhuận, Tp. HCM
Hưởng thọ: 62 tuổi.
Nghi thức Nhập Quan lúc 17 giờ 00, ngày 11.05.2017
Tại Nhà Sài Gòn, 179/15 Nguyễn Kiệm, phường 9, quận Phú Nhuận, Tp. HCM
 

   Viếng linh cữu tại Hội Trường nhà xứ Giáo xứ Phát Diệm (Tp. HCM)
Thánh lễ An Táng sẽ được cử hành lúc 8 giờ 00, Thứ Bảy ngày 13.05.2017
Tại Nhà thờ Giáo xứ Phát Diệm (Tp. HCM)
Hỏa táng tại Nhà Hỏa Táng Bình Hưng Hòa (Tp. HCM).
Xin hiệp ý cầu nguyện cho Linh hồn Cha Augustinô.
R.I.P.

Để hiểu được một linh mục sống chết với lý tưởng của mình như thế nào, trước mắt chúng tôi xin ghi vài đường dẫn để quí vị có thể cập nhật, tìm hiểu, và cảm nhận tâm hồn của một đời vị linh mục thừa sai của những người phong cùi được Chúa dẫn dắt qua mọi nẻo đường ƠN GỌI THỪA SAI CHO NGƯỜI PHONG như thế nào. Tạ Ơn Chúa.

Với tâm tình cá nhân, nhiều lần tiếp xúc với Cha Augustinô khi Ngài còn sống trên cánh đồng truyền giáo Kontum, nay lòng bảo lòng tôi “đến với Ngài xin Ngài cầu nguyện cho tôi trở nên linh mục thừa sai cho người nghèo như Ngài”.

Có phải là dấu chỉ của Chúa hay không mà Cha AUGUSTINÔ NGUYỄN VIẾT CHUNG, CM vừa qua đời đúng ngày 10/5: KÍNH THÁNH DA-NI-EN. GpkT: Ngày Phong Cùi. Có nên chăng nơi Ngài phục vụ cho đến suốt đời Ngài tại Giáo Xứ Đăk Tân, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum, có một chương trình cụ thể nào để tiếp nối sự nghiệp Ơn Gọi của ngài?:

No comments:

Post a Comment