Danh Ngôn

Danh Ngôn

Lời Vàng ý Ngọc

Lời Vàng ý Ngọc

Sunday, March 26, 2017

CUỘC CHIẾN VỈA HÈ: NÊN DÙNG GIẢI PHÁP KINH TẾ THAY CHO ĐẬP PHÁ



Ảnh: VietNamNet
Hiện cả nước đang ngập đầy thông tin nóng về việc Tp. HCM và Hà Nội đang quyết liệt triển khai cuộc chiến “Đòi lại vỉa hè cho người đi bộ”. Có 3 đối tượng chính được xử lý:
a) Các bậc tam cấp, bậc thềm lấn chiếm vỉa hè.
b) Các biển hiệu quảng cáo lấn chiếm khoảng không.
c) Những người buôn bán vỉa hè.

Nếu đọc cả những ý kiến bình luận/comments trên các báo mạng, sẽ thấy đại đa số ủng hộ theo nghĩa “luật lệ, kỷ cương phép nước phải tôn nghiêm, lấn chiếm vỉa hè, đất công là không được”.
Chiến dịch do Phó chủ tịch quận 1, TP.HCM Đoàn Ngọc Hải khởi xướng:Chúng tôi sẽ kiên quyết đòi lại vỉa hè cho người đi bộ, không làm kiểu “đánh trống bỏ dùi” như những năm trước. Mục tiêu là xây dựng khu vực quận 1 sạch đẹp như Singapore. Không lấy lại được vỉa hè, tôi cởi áo về vườn”.
Có điều chắc chắn là chiến dịch này không nằm trong kế hoạch, chủ trương ở cấp quốc gia, cũng như cấp thành phố.
Sau khi báo chí dậy sóng về sự kiện này, nhiều người dân ủng hộ, nhưng lãnh đạo các quận huyện khác vẫn không nhúc nhích. Bí thư Đinh La Thăng “bị động” phải vào cuộc đầu tiên, bày tỏ băn khoăn khi các cuộc ra quân không thấy Bí thư, Chủ tịch phường đi theo Phó chủ tịch quận 1 Đoàn Ngọc Hải. Nếu phường không vào cuộc thì sẽ thất bại, vì những ông này hiểu rõ nhất ai lấn chiếm. Không thể để anh Hải thành ngôi sao cô đơn được”. Bí thư, ủy viên BCT đã kêu gọi như vậy nên sẽ là xu thế không thể đảo ngược.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong: “Anh Hải hăng hái nhưng đôi khi cũng phải kiềm chế để làm sao đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Phải làm thiệt như thế mới được. Giờ này còn ngồi bàn giấy chỉ đạo là không ‘ăn’.”
Thủ đô Hà Nội cũng được kích hoạt, một vài quận quan trọng rầm rộ ra quân phá dỡ. Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đã họp đội quân này, tinh thần đòi lại vỉa hè là cần thiết, phải làm nhưng “tránh làm ồn ào, ầm ĩ”.
Ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM: “Quận 1 đang dẹp vỉa hè nhanh quá, làm như một cơn lốc. Vì nhanh quá nên người dân đặt câu hỏi: Hình như ông này đi nhanh quá, có đúng quy trình không?”.
Ý tưởng thì tốt đẹp nhưng giải pháp thực sự là LOSE – LOSE SOLUTION (cả hai/tất cả đều thiệt). Lấn chiếm vỉa hè là sai, luật pháp, kỷ cương phép nước phải được thực thi nghiêm! đúng 100%!. Tuy nhiên, chọn giải pháp đập phá, tháo dỡ thực sự là đau lòng, sẽ lưu giữ lâu trong tiềm thức của người người dân. Rất nhiều du khách nước ngoài đã chứng kiến cảnh đập, phá này. Giải pháp không hướng tới đạt mục tiêu, chỉ để lại những vết sẹo nham nhở cho thành phố.
   Một vài hình ảnh trên mạng về cuộc chiến “đòi lại vỉa hè cho người đi bộ”:


Dưới đây chỉ là một vài “lịch sử” về những ý tưởng tốt đẹp, nhưng giải pháp thực thi lại rất có hại:
Lịch sử 1
 Để giải quyết mối quan hệ “giàu – nghèo” chúng ta đã sử dụng giải pháp bạo lực cách mạng theo lời kêu gọi của Mác và Lê nin:
“. . . Vùng lên hỡi ai cực khổ bần hàn . . .  Quyết phen này sống chết mà thôi.
Chế độ xưa ta mau phá sạch tan tành . . . Bao nhiêu lợi quyền ắt qua tay mình.
Đấu tranh này là trận cuối cùng . . .”.
Mác đã sai lầm khi coi duy nhất chỉ có “thời gian lao động mới tạo ra giá trị thặng dư”, 1 nhà tư sản và 1 người công nhân cùng làm việc 10 giờ/ngày, nên không thể có chuyện 1 nhà tư sản lại có thu nhập bằng cả nghìn người lao động làm thuê.  Do vậy, sự giầu có của giai cấp tư sản là do bóc lột sức lao động của giai cấp công nhân.
Vào những năm 50 chúng ta thực hiện “trí, phú, địa, hào, đào tận gốc, trốc tận rễ” ở khắp nông thôn và cải tạo tư bản tư doanh ở thành phố. Nhiều triệu người nghèo đã cầm giáo, mác xuống đường reo hò ủng hộ, nhiều máu đã đổ. Những năm sau giải phóng miền Nam, các chủ đồn điền, trang trại, xí nghiệp, các nhà tư bản, dư doanh, những người giầu có đều bị đi tù, cải tạo và tịch thu tài sản.  
Sau khi người nghèo đã giành được chính quyền, để xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, chúng ta đã chọn giải pháp tập thể hóa, tập trung hóa, nhất thể hóa, kế hoạch hóa mọi nguồn lực của đất nước, nghiêm cấm mọi hoạt động của kinh tế tư nhân và thị trường tự do. Kết quả thảm bại của giải pháp này, mọi người dân Việt Nam đều biết.
Rất mừng là ngày nay chúng ta không sử dụng giải pháp “đổ máu” trên một lần nữa để giải quyết mối quan hệ bất công “giầu – nghèo” hiện nay?  Đảng đã chọn các giải pháp thiên về kinh tế, hòa bình để xử lý.
Lịch sử 2:
 Ngày 6/4/2016 do lỗi của nhà thầu trong việc xử lý 2500m3 nước thải của khâu xúc tẩy rửa gì hệ thống chằng chịt các đường ống kim loại và sự cố mất điện, nên công ty Formosa Hà Tĩnh đã đổ vào biển toàn bộ số nước thải trên, có chứa gần 5 tấn kation sắt hai (Fe2+) “tham ăn” oxy, đã làm cạn kiệt oxy vốn vô cùng khan hiếm ở tầng đáy biển, cá chết hàng loạt sau một đêm. Tuy nhiên, nguyên nhân cá chết đã được các nhà khoa học tinh túy và có quyền lực qui kết cho các độc tố phenol, xianua có trong nước thải. Sau đó là đề xuất kỳ vĩ: “Sẽ phải hút hàng ngàn tấn trầm tích, kinh phí hút 1.000 tấn cũng phải mất vài nghìn tỷ đồng. Chúng ta sẽ phải hút suốt chiều dài 209 km và phải hút sâu tối thiểu 50cm thì mới đảm bảo sạch biển”. Tính ra sẽ là một lượng kinh phí khổng lồ. Chỉ cần đáp ứng 1% của nhu cầu nạo vét này đã là 109 nghìn tỷ đồng (khoảng 4,73 tỷ USD, trong khi Formosa đền bù 500 triệu USD) để thực hiện một cuộc tổng tàn phá kinh hoàng hệ sinh thái đáy biển, sẽ thêm rất rất nhiều san hô bị chết(1).
Lịch sử 3:
 Với mục đích làm sống lại 5 con sông (Kim Ngưu, Sét, Lừ, Tô Lịch và sông Nhuệ) bảo vệ môi trường và thực hiện phát triển bền vững, Hà Nội đã và đang đầu tư hơn 1 tỷ USD, xây dựng 2 nhà máy xử lý nước thải lớn nhất của cả nước. Tuy nhiên, thay vì phải lựa chọn cách tiếp cận phân tán, phi tập trung, Hà Nội lại chọn giải pháp tập trung, qui mô hoành tráng, nên cho dù 2 nhà máy trên có vận hành suốt đời của dự án cũng sẽ không thể cứu được các con sông sống lại dù chỉ có 1 ngày; không những thế, còn làm gia tăng ngập lụt ở Hà Nội, phủ định những kết quả của 10 năm thực hiện dự án chống ngập lụt đã làm trước đó (đều sử dụng vốn ODA Nhật Bản)(2)
Cuộc chiến “Đòi lại vỉa hè cho người đi bộ” bằng giải pháp đập phá, dỡ bỏ không phải là giải pháp WIN – WIN SOLUTION (cả hai, các bên đều được lợi), là giải pháp cả xã hội đều bị thiệt, do vậy không thể đạt mục tiêu, không thể thành công, vì những lý do rất đơn giản sau đây:
1) Giải pháp đập phá đối kháng với một qui luật vận động của xã hội “Mặt bằng thực thi pháp lý gồ ghề sẽ làm tha hóa cả xã hội”:
Lấn chiếm vỉa hè, đất công, khoảng không ở trên cao tại những đại lộ, mặt phố lớn, phố nhỏ, trong ngõ đều có bản chất như nhau, giống nhau là lấn chiếm đất công, đều là vi phạm pháp luật, đều cần được xử lý bình đẳng như nhau. Tại sao lại chỉ thực hiện kỷ cương phép nước ở những mặt phố lớn mà không cần thực hiện ở những mặt phố nhỏ và trong ngõ? Nếu những nhà trong phố nhỏ, ngõ nhỏ được phép lấn chiếm và tồn tại thì tại sao các nhà ở mặt phố lớn lại không được? Vỉa hè, lòng đường ở đâu cũng là phục vụ cho mục đích giao thông, đi lại như nhau. Có những trường hợp mà việc lấn chiếm ở các ngõ nhỏ, phố nhỏ cũng gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng.
Việc phá dỡ hiện vẫn đang tiếp diễn, có thể sau này sẽ phá dỡ được khoảng 10% vụ việc; 90% vụ việc lấn chiếm vẫn tồn tại như cũ. Như vậy là công bằng? là duy trì kỷ cương phép nước? Đã nhiều năm nay, tại các đô thị trên phạm vi cả nước, việc lấn chiếm bằng các bậc tam cấp vào vỉa hè là cả một quá trình, là của lịch sử để lại, ngay các cơ quan, đơn vị công quyền cũng lấn chiếm. Vì những bậc tam cấp ấy không hề ảnh hưởng đến ai, không hề gây phiền toái cho người hàng xóm, không hề gây ùn tắc giao thông, không ảnh hưởng đến nồi cơm, manh áo của ai. Thế nên nó được mặc nhiên tồn tại trên phạm vi cả nước.
10% gia đình bị cưỡng chế phải chịu đắng cay. Họ không may thuộc trong địa phận của những lãnh đạo đầy nhiệt huyết. Đất mặt tiền phố lớn là những mảnh đất đắt giá nên nhiều hộ gia đình không thể có diện tích rộng. Nếu xây lại bậc thềm, lùi vào thì diện tích sử dụng trong nhà bị thu hẹp, do vậy một số gia đình chọn giải pháp gia công các bậc lên xuống di động, tạm thời, bằng tre, bằng gỗ, bằng sắt. Người dân gắng gượng, cơ cực leo lên leo xuống. Tuy nhiên, phụ nữ và những người có tuổi không thể leo trèo như vậy trong suốt cuộc đời còn lại của mình, nguy cơ ngã què chân, gẫy tay là hiện hữu; thêm vào đó họ nhìn thấy nhiều bậc tam cấp khác lấn chiếm vẫn tồn tại vô tư. Nghe ngóng một thời gian, họ “bắt buộc” lại phải lấn chiếm, tái vi phạm, với hy vọng “ông chính quyền” mới sẽ tha bổng, thương cho để gia đình đỡ khổ, để bậc tam cấp tiện cho khách đến mua hàng, kiếm kế sinh nhai. 10% lấn chiếm bằng các bậc tam cấp bị phá dỡ đó thực sự không hề gây ùn tắc giao thông, không gây thiệt hại cho bất cứ một ai, giống hệt như 90% lấn chiếm còn lại, tại sao 10% lại bị đập, 90% thì không?
Nhân danh Nhà nước, thực hiện việc lấy lại vỉa hè, thực thi pháp luật với cách làm vội vàng, ào ạt như hiện nay lại là minh chứng rõ ràng chính các đơn vị thực thi pháp luật lại vi phạm pháp luật. Theo những qui định của pháp luật, để thực hiện được việc mang máy móc thiết bị đến cưỡng chế phá dỡ phải qua rất nhiều bước. Việc đầu tiên và rất quan trọng là phải đến đo đạc, xác minh, đối chiếu với sổ đỏ nhà đất, từ đó hai bên thống nhất là các bậc tam cấp có thực sự lấn chiếm vào đất công? lấn chiếm bao nhiêu xăng ti mét? bậc thềm nào lấn chiếm, bậc nào không? chủ nhà cam kết tự phá dỡ? v.v… Các đơn vị công quyền vi phạm pháp luật trong thực thi nhiệm vụ đối với dân rõ ràng như vậy tại sao lại không bị xử lý?
2) Mục đích/mục tiêu đòi lại vỉa hè cho người đi bộ, xây dựng khu vực quận 1 sạch đẹp như Singapore:
Đã mấy chục năm nay, Hà Nội và Tp. HCM làm gì có người đi bộ mà đòi lại vỉa hè cho họ. 90% nhu cầu đi lại được thực hiện bằng các phương tiện giao thông cá nhân. Cho dù có 10% người đi bộ, thì chẳng có 1 người đi bộ nào đi sát vào các bậc tam cấp cả và cũng chẳng có một ai cao tới mức chạm vào các biển quảng cáo ở trên cao. Một lần nữa, các bậc tam cấp, biển quảng cáo trên cao không hề gây ảnh hưởng đến người đi bộ và gây ùn tắc giao thông. Ngược lại chúng là những tiện nghi, thiết yếu cho gia đình và có ích cho xã hội. Vậy cớ gì chúng lại bị đập phá, dỡ bỏ? Hà Nội và Tp. HCM hiện có gần 16 triệu xe máy và ô tô con, phủ kín đậm đặc mặt đường, lên cả vỉa hè mới là yếu tố chính lấn chiếm vỉa hè, gây ùn tắc giao thông, làm không có người đi bộ, làm cho nhiều cầu đường bộ, hầm đường bộ từ nhiều năm nay vắng bóng người đi. Phó chủ tịch quận 1, TP.HCM Đoàn Ngọc Hải bức xúc trước hiện tượng ùn tắc giao thông, xe máy lấn chiếm vỉa hè, quay ra đập phá các bậc tam cấp và tháo dỡ các biển quảng cáo. Giận cá chém thớt. Một giải pháp không bình thường! Đòi lại vỉa hè cho vô hư! vì không có người đi bộ!
Giải pháp này có làm cho Quận 1 sạch đẹp như Singapore? Chắc chắn là không! Các bậc tam cấp kiên cố, tiện nghi, tiện dụng và đẹp đã bị thay thế bằng bậc tam cấp gỗ, tre, ghế xếp chồng, sắt thép v.v.., thậm chí còn làm cho Quận 1 xấu hơn đi so với trước đó. Những bức ảnh ở trên đủ để chứng minh cho điều này.
Giải pháp “thần kinh” này đã làm thiệt hại cho nhiều gia đình, cho toàn xã hội. Bỏ ra bao nhiêu tiền để có được những tấm đá dài, bóng nhẵn nguyên tấm, làm đẹp cho gia đình và cho bộ mặt thành phố, nay lại phải bỏ công sức, nguồn lực ra phá bỏ để thay vào đó bằng những thứ tạm bợ bằng gỗ, bằng tre, bằng ghế nhếch nhác, dễ đổ, dễ ngã. Nếu xét theo kỷ cương phép nước thì những vật dụng này vẫn phạm luật là lấn chiếm vỉa hè, đất công. Tuy nhiên, nó là những vật dụng cuối cùng rồi! để con người có thể leo lên, leo xuống, kể cả khách đến chơi nhà, nên ông Đoàn Ngọc Hải đành phải chấp nhận, cho phép tồn tại, lấn chiếm. Giải pháp phá dỡ đã đổi các bậc tam cấp tiện nghi, sạch đẹp thành các bậc lên xuống nhếch nhác, xấu cả mặt tiền, xấu cả Quận 1, xấu cả cho Tp. HCM và Hà Nội.
3) Việc xua đuổi, thu gom những người buôn bán vỉa hè:
Đại bộ phận những người buôn bán vỉa hè là những người yếu thế, nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, nhà ở sâu trong hẻm, trong ngõ, dậy từ 4 – 5 giờ sáng, mang vài cái thúng, cái mẹt, ghế nhựa con ra vỉa hè để kiếm sống. Đã là buôn thúng bán mẹt thì dễ cơ động, dễ chạy, dễ trốn, nhiều khi đổ cả mẹt hàng. Những người bà con này của chúng ta cần được giáo dục, hướng dẫn kinh doanh văn minh lịch sự, thay vì xua đuổi và bắt phạt. Cơ quan, chính quyền cần bố trí sắp đặt, thu thuế, hợp pháp hóa cho họ, thay vì để cho những tay đầu gấu, bảo kê rất phổ biến, đang lộng hành thu tiền của họ hàng ngày và hàng tháng. Chính quyền của ta là chính quyền của dân, do dân và vì dân.
   Hãy làm sớm để mang lại hạnh phúc bé nhỏ cho những người yếu thế.
4) Giải pháp kinh tế, các bên, toàn xã hội đều được lợi:
Các bậc thềm lên xuống ra vào tổ ấm là những vật dụng thiết yếu của cuộc sống. Việc lấn chiếm vào vỉa hè là cả một quá trình rất nhiều năm, là tất yếu của lịch sử. Lấn chiếm vào đất công là phạm luật, cần phải xử lý. Khi xử lý cần đồng đều như nhau, những vi phạm giống nhau cần được xử lý trên cùng một mặt bằng.
Không thể để giải pháp đập phá tiếp tục phá hại thêm nữa!.
Thủ tướng Chính phủ cần ra quyết định yêu cầu dừng lại, chuyển sang sử dụng giải pháp kinh tế; nếu không thì Chủ tịch UBND Tp. HCM và Hà Nội cần ra thông báo cho tất cả lãnh đạo cấp quận, huyện dừng ngay việc phá dỡ!.
Chính phủ cần khẩn trương ban hành một Nghị định về việc xử phạt lấn chiếm vỉa hè bằng thu thuế cho ngân sách địa phương, ngoại trừ những trường hợp việc vi phạm thực sự thu hẹp dòng chảy của các phương tiện giao thông, bắt buộc phải phá dỡ. Lợi ích của giải pháp kinh tế là:
  • Ngân sách địa phương sẽ có thêm một nguồn thu đáng kể.
  • Tiện nghi và sinh hoạt của dân sẽ khá hơn.
  • Pháp luật sẽ được thực thi nghiêm minh hơn và đồng đều hơn.
  • Bộ mặt của các đô thị, thành phố sẽ sạch đẹp hơn.
  • Đóng thuế để được hợp pháp nên sẽ được dân đồng tình ủng hộ.
Trường hợp gia đình nào chây ỳ, không chịu đóng thuế, sẽ tiếp tục được xử lý bằng các chế tài khác. Tuyệt đối không cưỡng chế bằng phá dỡ!
Chính quyền cần phải đền bù cho các gia đình bị phá dỡ sau khi họ đóng thuế.
Ai thấy đúng, mong được ủng hộ, chia sẻ rộng hơn.
Xin trân trọng cám ơn bạn đọc.
TS Nguyễn Đức Thắng
23-3-2017
_____
Tài liệu tham khảo:
(1) Nguyễn Đức Thắng: “Cần trả lại chân lý khoa học cho kết luận về nguyên nhân cá chết”, improved version 10/2016.
(2) Nguyễn Đức Thắng: “Hai nhà máy xử lý nước thải lớn nhất của Hà Nội sẽ làm cho các con sông chết hẳn và gia tăng ngập lụt ở Thủ đô”, tháng 12/2016.

No comments:

Post a Comment