Danh Ngôn

Danh Ngôn

Lời Vàng ý Ngọc

Lời Vàng ý Ngọc

Monday, January 30, 2017

Hàng hoá thời kỳ xã nghĩa

“...Ngoài những hàng hoá đã liệt kê trên đây, còn một món hàng hóa vô cùng nóng bỏng, cũng cần phải nói đến. 
Đó chính là Mại Dâm! Đây là một vấn đề thuộc đạo đức của con người...”
hoaqua_tranday 


















Trong bất cứ xã hội nào, nếu muốn làm cho cuộc sống được đa dạng, mọi người cần phải trao đổi hàng hoá với nhau. Cách trao đổi trước đây, “vật đổi lấy vật”, nói một cách khác món này đổi lấy món kia, cùng với sự phát triển kinh tế của loài người, theo năm tháng đã chuyển sang cách sử dụng tiền tệ để trao đổi hàng hóa.
Để ổn định đời sống kinh tế, luôn có những quy luật thành văn và bất thành văn được đặt ra hầu tạo sự công bằng trong việc trao đổi, mua bán. Cũng nhờ có kinh tế tự do, thí dụ như tự do mua bán, tự do thương mại, tự do tiền tệ v.v… mà các cộng đồng tại các quốc gia, các châu lục xích lại gần nhau hơn khiến cho nền kinh tế quốc gia - dựa trên các quy luật quốc tế mà các thành viên đã ký kết với nhau - được phát triển.
Hẳn ai trong chúng ta cũng biết rằng trong những nước có thể chế chính trị độc tài thì hàng hóa không vận hành theo quy luật của thị trường mà lại theo chỉ thị, theo nghị quyết của đảng cầm quyền. Trong phạm vi bài viết này, thiết tưởng chúng ta cũng nên định nghĩa hàng hoá là gì? Theo nghĩa hẹp, hàng hóa là vật chất tồn tại có hình dạng xác định trong không gian và có thể trao đổi, mua bán được. Theo nghĩa rộng, hàng hóa là tất cả những gì có thể trao đổi, mua bán được. Hàng hóa cũng là một trong những phạm trù cơ bản của kinh tế chính trị.
Nói đến hàng hóa thì rất phong phú và đa dạng. Trong bài  này, chúng tôi xin được phân hàng hoá làm 3 loại: 1. Hàng tiêu dùng hằng ngày;  2. Hàng cao cấp; 3. Hàng hóa theo định nghĩa đặc biệt.

1- Những hàng thuộc loại nhu yếu phẩm luôn luôn được quan tâm nhiều nhất, vì nó ảnh hưởng đến sự tồn tại của con người trong xã hội và cũng là loại hàng hóa nhiêu khê nhất. Đó là những thứ mà người ta cần dùng hằng ngày cũng như phải lo lắng làm sao để có nó hằng ngày, từ rau củ quả đến thịt cá trứng sữa v.v… Thực phẩm luôn là một đề tài nóng bỏng!
Mọi người, từ trẻ đến già , từ nghèo đến giàu, từ yếu đến khoẻ, ai ai cũng cần có thực phẩm - nói nôm na ra là đồ ăn và thức uống. Nhưng vì sao thực phẩm, thứ mà ai ai cũng cần mỗi ngày để sống khoẻ, lại lâm vào tình trạng độc hại? Ai đã tạo ra thực phẩm độc hại để cung cấp cho dân chúng? Ai đã để cho việc này xảy ra? Và ai đã làm ngơ trước nguy cơ tổn vong này?
Câu hỏi thì có rất nhiều, nhưng hiện tại không có câu trả lời!
Ở những nước phát triển như Mỹ hay Tây phương, thực phẩm - được kiểm soát rất gắt gao - phải ghi rõ xuất xứ dù được sản xuất trong nước hay nhập khẩu đều phải đảm bảo theo tiêu chuẩn an toàn, được quy định bởi luật pháp. Người cung cấp lẫn người bán phải có trách nhiệm dân sự đối với hàng hóa của mình, nếu hàng hóa cung cấp gây hại đến người sử dụng thì họ sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Ở Việt Nam, quan điểm về hàng hóa còn rất bần cố nông! Điều này, có thể thấy qua cách sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ và manh mún. Còn việc trao đổi hàng hóa qua các chợ, từ cách họp chợ làng tại nông thôn đến thành thị cũng không khác nhau là bao nhiêu. Nếu nói đến phẩm thì có lẽ hàng hóa trong các siêu thị có thể khá hơn đôi chút nhưng nguồn gốc hay xuất xứ của chúng cũng như người chịu trách nhiệm về chất lượng vẫn không được đảm bảo. Các thực phẩm được đánh bắt, khai thác từ thiên nhiên không có cách bảo quản khoa học nên người mua chỉ có thể nhìn ngoại quan mà hoàn toàn không thể biết nguồn gốc hoặc giá trị sử dụng hoặc hạn sử dụng của nó. Họ chỉ tự quyết định mua hay không dựa vào niềm tin mông lung đối với người bán và vào túi tiền của mình.
Cách trao đổi hàng hóa, thực phẩm như vậy thì không thể nào đảm bảo được sản phẩm mua bán có an toàn cho sức khỏe của người sử dụng hay không! Các loại thực phẩm tốt hay xấu hầu như không thể phân biệt được, ngoại quan thực phẩm cũng không thể đánh giá hết giá trị sử dụng được. Như vậy, những người nuôi trồng, đánh bắt, giao thương thực phẩm cho thị trường đều có thể trở thành người cung cấp thực phẩm độc hại. Những sản phẩm độc hại này đều có thể thấy ở bất cứ nơi nào và hoàn cảnh nào. Trong một rừng hàng hóa mà chất lượng tốt thì ít, chất lượng kém thì nhiều mà cứ phải “hãy là người tiêu dùng thông thái” quả là khó khăn cho khách hàng. Lại càng khó khăn hơn cho khách hàng có thu nhập thấp.
Hàng trang phục, nói chung là những thứ đồ mặc vào người cũng thuộc hàng tiêu dùng hằng ngày. Người Việt Nam sính ngoại cũng có cái lý của họ. Tại sao họ lại thích hàng ngoại? Đặc biệt là hàng hóa của Mỹ và Châu Âu. Vì những hàng hóa này chất lượng cao, mẫu mã đẹp và có những tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp phục vụ cho sức khoẻ con người. Hàng ăn mặc trong nền kinh tế xã nghĩa không thiếu về số lượng, nhưng chất lượng thì không được kiểm soát hay chỉ kiểm soát chiếu lệ!
Số lượng không thiếu do được thừa hưởng trình độ công nghệ kỹ thuật của các nước phát triển. Vì thế, không khó gì để tạo ra một sản phẩm có giá thành thấp nhờ bóc lột nhân công như ở Việt Nam, một trong những quốc gia có lao động giá rẻ mạt. Đồng thời, đồ Trung Quốc tràn vào Việt Nam không có bất cứ rào cản nào, vả lại hàng Trung Quốc cũng được tạo ra trong nền kinh tế xã nghĩa: lao động giá rẻ, sử dụng tận diệt môi trường sống để phát triển kinh tế.
Còn chất lượng thì sao? Ngoài đường phố, không thiếu gì người mặc nhan nhản các thương  hiệu: Adidas, Nike, Zara, Gucci, Levi’s, Việt Tiến, Blue Exchange, Ninomaxx v.v… Nhưng đã mấy ai biết chắc đó có phải là đồ thương hiệu thật hay không? Hầu hết là hàng giả, hàng nhái thương hiệu để thu hút khách hàng. Vậy trong nền kinh tế xã nghĩa, con buôn đâu cần phải đăng ký bản quyền hay đăng ký thương hiệu, vì thật giả làm sao phân biệt được và hàng thật làm sao bán đắt hàng cũng như thu lợi nhuận cao bằng hàng giả.

   2-Khi nói về hàng hóa cao cấp, chúng tôi muốn nói đến xe ôtô. Giá xe ôtô ở Việt Nam, chắc ai cũng biết, đắt đến mức nào! Loại hàng hoá  này được chính phủ xếp vào loại nhập khẩu, có thuế đặc biệt cao. Để nguỵ biện, nhà nước đã đưa ra những nguyên nhân như do chính sách hạn chế nhập khẩu để bảo hộ hàng hoá sản xuất trong nước, hạn chế số lượng vì công trình giao thông đường sá Việt Nam chưa đáp ứng nhu cầu v.v…và v.v… Nhưng căn bản là chính phủ muốn thu một số lượng tiền thuế khủng từ nhu cầu tiêu thụ loại hàng này.
Vì sao chúng tôi lại kết luận như vậy? Vì hai công ty sản xuất ôtô nổi tiếng trong nước là Auto Trường Hải và Vinaxu đều là công ty cổ phần thuộc quyền quản lý của nhà nước. Vinaxu hiện đang đóng cửa vì không đủ trình độ sản xuất; không đủ vốn đầu tư; không đủ khả năng quản lý; không đủ sức cạnh tranh khi đa số phụ tùng phải nhập khẩu và mức chi phí sản xuất cao v.v… Còn Auto Trường Hải, nếu cạnh tranh về chất lượng và giá cả thì không thể cạnh tranh được với bất cứ hãng nào, dù với ôtô Trung Quốc hoặc Malaysia hoặc những hãng ôtô mới thành lập.
Trong khi đất nước đang quằn quại vì nợ công mà cũng phải chi một lượng tiền không nhỏ của ngân sách nhà nước cho công trình giao thông đường sá thì không thể lấy lý do hệ thống giao thông không đảm bảo để hạn chế phương tiện giao thông.

  3-Ngoài hai loại hàng hoá nói trên, chúng tôi cũng xin được nói đến món hàng đặc biệt! Đó là hàng hóa không tuân theo một quy định luật pháp nào, nhưng nó có thể được gọi là hàng hóa vì là thứ có thể trao đổi, mua bán được. Chắc hẳn khi nghe kể tên (những) loại hàng hóa này, quý vị độc giả sẽ kêu lên “à!… ồ! …” vì nó rất quen thuộc với chúng ta. Món hàng đặc biệt đầu tiên đó chính là loại mũ bảo hiểm!
Xin thưa cùng các bạn mua mũ bảo hiểm! Vâng, đây là một loại hàng hóa tiêu dùng thật bình thường và chẳng có gì đặc biệt cả, nhưng vẫn phải xếp nó vào loại đặc biệt.
     Tại sao? Nó đặc biệt không phải vì tên gọi của nó là “mũ bảo hiểm”, nhưng vì cái luật lệ giao thông quái gở đã làm cho nó có chút bất thường ở chỗ: nếu người tiêu dùng nhỡ mua phải hàng giả và nếu lại nhỡ bị cảnh sát giao thông tuýt còi thì sẽ bị nộp phạt. Sự đặc biệt của nó ở chỗ người bán hàng giả không phải chịu trách nhiệm gì cả mà chính người tiêu dùng lại phải lãnh cái tội này. Họ phải  chịu hoàn toàn thiệt hại từ việc mất tiền mua phải hàng giả đến việc không đảm bảo an toàn sử dụng, dù nó là hàng dùng để bảo vệ tính mạng con người và còn phải nộp phạt khi bị công an “hỏi thăm”. Vì sao lại có sự vô lý như vậy? Bởi vì chính quyền một mặt đã vô trách nhiệm trong việc quản lý hàng hóa lưu thông thị trường, mặt khác cố tình để kẻ quản lý đó chơi luật “giang hồ” với dân để vặn vẹo bắt lỗi và “kiếm ăn” bằng cách móc túi của dân.
Kể cả điện và xăng cũng được liệt vào loại hàng hóa đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ độc quyền! Người bán như kẻ ban phát với giá cắt cổ mà người mua phải cam chịu nhưng lại phải biết cảm ơn kẻ bóc lột mình. Để tạo ra những loại hàng hóa này, người bán công khai phá hoại tài nguyên thiên nhiên, môi trường sống. Như muốn xây thủy điện thì phải phá hủy những cánh rừng hay thay đổi dòng chảy tự nhiên của con sông. Muốn làm nhiệt điện thì phải đào bới than khoáng sản, phải đốt lò và gây ô nhiễm không khí.
Ngoài những hàng hoá đã liệt kê trên đây, còn một món hàng hóa vô cùng nóng bỏng, cũng cần phải nói đến. Đó chính là Mại Dâm! Đây là một vấn đề thuộc đạo đức của con người. Đối với luật pháp của một số quốc gia như Đức, Đài Loan, Mexico, Bangladesh và Thổ Nhĩ Kỳ thì hoạt động này là hợp pháp nhưng phải theo đúng luật để giới hạn cũng như  bảo vệ giới hành nghề. Cũng phải kể đến những quốc gia trên thế giới, họ cấm lưu hành loại hàng hóa này nhằm chống bạo hành đối với phụ nữ, chống các hoạt động buôn bán người… Luật pháp tại những nước này xử phạt không những  người mua và người bán mà cả người môi giới trong lãnh vực  hoạt động này.
    Trong xã hội xã nghĩa Việt Nam, loại hàng hóa này tất nhiên sẽ tồn tại nhưng điều bất cập là chỉ có người “bán hoa” bị xử phạt, còn người “mua hoa” lại được cho là vô tội! Đó là một điều vô cùng bất công, phi lý và man rợ  trong mối quan hệ mua bán một thứ hàng hóa bị luật pháp cấm đoán.
      Thậm chí hệ thống công an, công quyền còn lợi dụng luật cấm “làm tiền” để che dấu những hoạt động này. Luật pháp đã không bảo vệ bản thân người phụ nữ để chống lại bạo hành hay chống lại việc mua bán người mà còn đổ lên đầu món hàng này không biết bao nhiêu rủi ro và tủi nhục!
Cuối cùng, khi nói đến hàng hoá, không thể nào không nhắc đến một món hàng hóa được phát sinh do một nhóm người độc chiếm quyền lực quốc gia và chi phối nó. Nhóm người đó không ai khác hơn là Đảng Cộng Sản Việt Nam. Và món hàng đó có tên gọi “mĩ miều” là “mua quan bán chức”! Nó được lưu thông với tần suất nhiều hơn và có giá trị cao hơn, đặc biệt vào mỗi độ xuân về. Nói nôm na ra là mỗi khi Tết đến. Những cuộc trao đổi mua bán này đã tạo ra một số lượng lớn sản phẩm con người “lãnh đạo đất nước” tệ hại và vì vậy nạn tham nhũng không có cách nào phòng chống cho đến khi chế độ sụp đổ!
Hiện tại, người Việt Nam đang sống trên một đống hàng hóa hỗn độn của nền kinh tế hỗn loạn và vô tình đã phải cam chịu trước tất cả bất cập đó!
Chúng ta, những người Việt Nam chân chính, những người tiêu dùng “thông thái”, phải đồng thanh:
-  lên tiếng phản đối sự quản lý yếu kém của chính phủ đối với nền kinh tế;
-  lên tiếng bảo vệ quyền lợi tiêu dùng của bản thân;
-  lên tiếng đòi hỏi một luật pháp công bằng để phân xử những người sản xuất gian trá, những nhà kinh doanh lừa đảo.
   Và nếu muốn trở thành “người tiêu dùng thông thái”, không phải chỉ cần cố gắng phân biệt hàng giả - hàng thật mà phải nỗ lực động viên nhau cùng đứng lên đòi hỏi một chính phủ sạch, minh bạch và quản lý kinh tế đúng theo hệ thống luật pháp nghiêm minh và có trách nhiệm bảo vệ người dân!

 Nguyễn Hồng Hải
(ethongluan.org)


No comments:

Post a Comment