Danh Ngôn

Danh Ngôn

Lời Vàng ý Ngọc

Lời Vàng ý Ngọc

Sunday, July 12, 2015

Tại sao Hà Nội phải ra lệnh cấm nói tục


1


Trong tuần cuối tháng 6 vừa qua, tất cả các phương tiện thông tin ở VN, từ báo lớn đến báo nhỏ, từ báo mạng đến báo in, từ các trang mạng cá nhân cũng như đoàn thể đang sôi sục bàn tán đến chuyện Hà Nội cấm nói tục. Vấn đề đáng suy nghĩ ở đây là tại sao tất cả các tỉnh thành khác không có chuyện các cơ quan công quyền và cơ quan chuyên môn như các sở Thể Thao Văn Hóa phải quan tâm đến vấn đề này. Thế ra chỉ có “thủ đô yêu quý” Hà Nội nói tục thôi sao? Mời bạn đọc cùng tìm hiểu câu trả lời.

Hà Nội xưa nay vốn nổi tiếng là “đất Thăng Long ngàn năm văn vật”, trai thanh gái lịch không đâu bằng. Ấy thế mà bỗng dưng nó trở thành nơi nói tục nhất nước. Theo bản “nghiên cứu” của nhiều tờ báo như VNNet 26-6-2015, Báo Đất Việt 25-6-2015… thì:
“Từ công sở, trường học đến hàng quán, bến xe, ngõ hẻm, đâu đâu cũng thấy nói tục, chửi bậy. Nhiều người còn coi đó như một thói quen, không nói là thấy… thiếu thiếu”.
Tình trạng “chửi bậy như hát hay” đang ngày càng lan rộng tại khắp các môi trường. Bởi vậy nên Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) TP Hà Nội mới có văn bản “xử lý người nói tục”

    Hà Nội xử lý người nói tục nơi công cộng
Theo báo Hà Nội mới ngày 17-6-2015 đã đưa tin:
“Trước phản ánh về tình trạng một số bạn trẻ, nghệ sỹ nói thô tục nơi công cộng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn giao đơn vị liên quan có biện pháp xử lý cụ thể, nhằm hạn chế cao nhất những hành vi thiếu văn hóa trong nhà trường và ngoài xã hội. Việc thành phố ra văn bản nêu trên xuất phát từ nội dung phản ánh tình trạng một bộ phận các bạn trẻ là học sinh, những ca sỹ, người dẫn chương trình… có những lời nói thô tục, ứng xử không văn hóa nơi công cộng, làm ảnh hưởng đến nếp sống văn minh của thành phố.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn giao Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND quận, huyện, thị xã kiểm tra, xem xét, có biện pháp xử lý cụ thể, nhằm hạn chế cao nhất những hành vi thiếu văn hóa trong nhà trường và ngoài xã hội.
Trước đó, giữa năm 2014, UBND TP Hà Nội ban hành Quy chế thực hiện Kỷ cương hành chính và Văn hóa công sở tại Văn phòng UBND thành phố. Mục đích của việc ban hành quy chế trên nhằm hướng tới xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Đặc biệt nội dung quy chế yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức trong giao tiếp, ứng xử phải có thái độ lịch sự, tôn trọng, trung thực, thân thiện, hợp tác với đồng nghiệp. Ngôn ngữ giao tiếp phải chuẩn mực, rõ ràng, mạch lạc và không nói tục, dùng tiếng lóng, quát nạt.
Trong giao tiếp và ứng xử với nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức phải nhã nhặn, lắng nghe ý kiến, giải thích, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể về các quy định liên quan đến giải quyết công việc”.
Quy chế đã ban hành cả năm rồi, nhưng mãi đến nay tình trạng này ngày càng trở nên nhức nhối như cái nhọt ung thư của xã hội đang chảy mủ, đó thật sự là sự xuống dốc thê thảm của văn hóa thủ đô, bộ mặt của cả nước.
Trước hết, chúng ta hãy tìm hiểu xem cái nhọt ung thư đó hình thành từ bao giờ?
Người mẫu Trang Trần chửi tục vừa bị khởi tố.
Người mẫu Trang Trần chửi tục vừa bị khởi tố.
Tình trạng chủi tục nói bậy bắt đầu từ sau năm 1975

   Tôi chứng minh điều này qua nhận định của một nhân vật là dân Hà Nội chính cống. Đó là ông Nguyễn Ngọc Tiến – ông này cũng là một nhà văn của Hà Nội ngày nay–. Ông nói:

  “Tôi đã sống, trải qua quãng thời gian dài ở Hà Nội và có thể khẳng định chắc chắn, những thập niên 1960, 1970 thanh niên ra đường ăn nói rất lịch sự, đàng hoàng, không có tình trạng những từ tục tĩu tràn lan trong xã hội.
Tuy nhiên, bây giờ Hà Nội không chỉ là những người sinh ra, lớn lên ở Hà Nội mà tập hợp những người đến từ rất nhiều nơi. Tôi nhận thấy sự thay đổi trong cách ứng xử, giao tiếp của những người sống ở Hà Nội bắt đầu diễn ra từ thập niên 1980 và kéo dài đến bây giờ. Tình trạng văng tục cũng nhiều hơn trước kia”.

   Và ông nhà văn Hà Nội này lý giải: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, bắt nguồn từ xã hội, gia đình, nhà trường. Từ thập niên 1980, bắt đầu có sự thay đổi lớn trong quan niệm của mỗi cá nhân. Người ta thấy mình được tự do ăn nói hơn mà không bị ràng buộc bởi nhiều nề nếp.
Nhà trường thì quan tâm đến điểm số, học sinh giỏi, học sinh tiên tiến nhiều hơn việc giáo dục cách ứng xử cho các em. Trong mỗi gia đình, việc mưu sinh chiếm ngày càng nhiều thời gian, gánh nặng, nên chuyện dạy dỗ con cái cũng bị hạn chế phần nào.
Nhưng còn một nguyên nhân nữa đó là việc giáo dục cộng đồng hiện đang bị mất dần. Ngày xưa, nếu người lớn ra đường thấy trẻ con nói tục, chửi bậy có thể nhắc nhở, thậm chí trách mắng chúng, cho dù đó là những đứa trẻ xa lạ. Và những đứa trẻ ấy chỉ còn cách nhận lỗi chứ không dám cãi lại, dù đó là người lớn chưa quen biết.
Nhưng bây giờ, sự giáo dục của người lớn với con trẻ trong cộng đồng không còn nữa. Nếu người lớn xa lạ thấy trẻ con văng tục mà nhắc nhở thì rất dễ gặp phải sự phản ứng tiêu cực của chúng.
Nên những người lớn tuổi cũng không mấy ai nhắc nhở con trẻ những chuyện đó ở nơi công cộng nữa. Vì thế, trong cách ứng xử đã mất đi một kênh giáo dục cộng đồng có hiệu quả. Hay nói cách khác, người lớn đang tạo cơ hội hơn cho con trẻ nói tục, chửi bậy.
Cũng cần nói thêm, ngày trước trong nếp sống của người Hà Nội, rất nhiều cá nhân có lòng tự trọng, biết xấu hổ, rất nhiều gia đình có gia phong, nề nếp và họ cảm thấy xấu hổ trước đám đông nếu nói ra những từ tục tĩu trước mặt người khác.
Nhưng bây giờ, lòng tự trọng của các cá nhân mất đi quá nhiều, nên họ sẵn sàng văng tục, chửi bậy mà không cảm thấy xấu hổ”.
Có một nguyên nhân chính ông Nguyễn Ngọc Tiến quên chưa nói là tại sao lòng tự trọng mất đi? Bởi một xã hội sống giả dối quá nhiều, bởi đồng tiền đã trở thành “vua” của lý tưởng sống. Các thứ đạo đức, gia phong, nền nếp đã trở thành “đồ cổ”, anh nào xài tới là lạc hậu, là đói nhăn răng. Cứ thế mài mòn hết nhân cách con người, còn trơ lại cái vỏ ngoài cố làm ra vẻ sang trọng nhưng rỗng tuếch.
Quán “bún mắng” nổi tiếng tại phố Ngô Sĩ Liên- Hà Nội.
Quán “bún mắng” nổi tiếng tại phố Ngô Sĩ Liên- Hà Nội.
Chửi tục ngay từ khi còn mới cắp sách đi học
Không khó để có thể bắt gặp hình ảnh những cô cậu học sinh cấp 2, cấp 3 còn mặc đồng phục tụm ba tụm bảy buông những từ ngữ tục tĩu chốn công cộng. Nhưng điều đáng báo động là “căn bệnh” này đã “lây” lan sang ra cả học sinh tiểu học.
Chị Vân, một chủ quán internet trên Quốc lộ 32 (Hà Nội) cho biết, cứ đến giờ tan học là nhiều học sinh cấp 2, cấp 3 kéo nhau vào quán. Và vừa chơi, các “ông trời” này vừa liên mồm chửi bậy.
Thậm chí, trên một số mạng xã hội, các em còn lập hẳn hội “thích nói tục, chửi thề” để vào đó cùng phô diễn “tài nghệ” nói tục. Nhiều em còn lôi thầy cô, cha mẹ ra chửi. Kinh khủng nhất khi ông bố dạy thằng con trai không được nói tục, thằng con trả lời tỉnh queo: “ông nội còn nói tục hơn cơ bố ạ”.
 Ngay cả đến một số “sao của làng giải trí” cũng chửi tục. Tiêu biểu là người mẫu Nguyễn Thùy Trang (tên nghề là Trang Trần) vừa bị truy tố vì đi xe ngược chiều bị cảnh sát đưa về trụ sở công an quận Hoàn kiếm nhưng vẫn tiếp tục chửi bới luôn cả cảnh sát.

Hai “thánh chửi” Hà Nội vẫn sống nhăn
Từ rất lâu rồi tôi đã nghe danh mấy cái quán ăn ở Hà Nội gọi là “bún mắng, cháo chửi”. Nói cho rõ là vào ăn bún thì bị bà chủ mắng xa xả, vào ăn cháo thì bị bà chủ chửi mỗi khi đòi thêm tí hành tí ớt… “Danh tiếng” của hai thánh chửi này đã vang rền trên khắp các trang báo, cả nước đều biết, có lẽ các bạn ở nước ngoài cũng biết.
Chủ quán bún ở Ngô Sỹ Liên và quán cháo gà ở Lý Quốc Sư là hai “thánh chửi trứ danh” ở Hà Nội.

– Vào quán bún mắng ăn gì?
Nằm tại số 41 Ngô Sĩ Liên (Văn Miếu – Đống Đa – Hà Nội) quán bún dọc mùng giò – lưỡi heo, quán này do bà Hán Kim Thảo (60 tuổi) làm chủ được nhiều người gọi là “quán bún mắng”.
Theo lời kể từ chính những nhân viên trong quán, khoảng thới gian 12h trưa là lúc bà Thảo sẽ nổi cơn lôi đình với khách – và khi đó các thượng đế sẽ ăn đủ các thứ ngôn từ phát ra từ miệng bà chủ quán. Nhẹ nhàng nhất cũng là: “Ăn bún gì, tìm chỗ ngồi đi, ăn xong rồi thì biến… Nói gì nói lắm thế, không ăn thì biến, bà cô, ông hoàng, không bán…”

– Váo quán cháo chửi
Quán cháo bà Mỹ tại phố Lý Quốc Sư (Hoàn Kiếm – Hà Nội) cũng được mang danh là “cháo chửi”. Bà Vũ Kim Ngọc (61 tuổi) hiện là chủ của quán. Biệt danh đó bắt nguồn từ nhiều năm trước khi mẹ bà là cụ Mỹ (79 tuổi) còn đứng quán. Vì quá đông khách nên bà Mỹ sinh bực tức. Cón bây giờ bà Ngọc thanh minh: “Tính tôi sớm nắng chiều mưa tối bão, nên những lúc nóng giận thì có quát tháo, mắng chửi khách hàng. Làm nghề này không khác gì làm dâu trăm họ nên hầu như việc chế biến để hợp miệng khách tôi phải tự tay làm hết. Mỗi ngày quán tiếp cả trăm lượt khách ra vào, có lúc bực tức trong người nên nói hơi nặng lời. Đó là tính cách của tôi rồi nhưng bụng dạ không có ý gì cả”.
Quán “cháo chửi” tại phố Lý Quốc Sư Hà Nội
Quán “cháo chửi” tại phố Lý Quốc Sư Hà Nội
Khách hàng vẫn thản nhiên
Dù đã có nhiều bài viết nêu rõ về thái độ phục vụ cũng như phê phán thói quen mắng chửi khách thậm tệ của chủ quán nhưng quán vẫn nườm nượp khách. Dường như vì “quen bị chửi mắng” nên nhiều người cảm thấy bình thường, vẫn cười đùa và ăn ngon lành. Quả thật tôi không thể hiểu được thái độ này. Thực khách coi miếng ăn to hơn cả thể diện của chính mình. Nếu tất cả cùng tẩy chay cả hai quán “thành chửi” này chắc chắn sẽ có tác dụng ngay.
 Nhưng họ… không dám rời xa một món ăn ngon dù bị chửi vào mặt. 

   Đó là thứ văn hóa gì?!

   Nhưng làm thế nào để “xử lý” người nói tục lại là chuyện không dễ dàng, lời nói gió bay, không bằng không cớ, không luật, làm sao mà xử và xử như thế nào? Phạt tiền, phạt tù hay phạt… cảnh cáo? Quá khó. Như thế Hà Nội sẽ còn nói tục dài dài!
Vậy mà hai quán này vẫn nườm nượp khách. Tại sao???
Vậy mà hai quán này vẫn nườm nượp khách. Tại sao???
Đến đây tối thấy cần phải xin lỗi một số ít người Hà Nội không nói tục, còn giữ được chút nền nếp gia phong của người dân Việt.

Văn Quang – ngày 03- Tháng 7- 2015

No comments:

Post a Comment