Danh Ngôn

Danh Ngôn

Lời Vàng ý Ngọc

Lời Vàng ý Ngọc

Monday, June 8, 2015

Một di tích trên 300 năm tuổi chờ... sập

Trên bước đường Nam tiến của dân tộc Việt Nam, đình làng, chùa làng chiếm một vị trí rất quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt, cũng như trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Tuy nhiên hiện nay, một số công trình đã mất đi do chính bàn tay của con người phá hủy. Một số di tích có nguy cơ biến mất, do việc bảo quản, trùng tu không được quan tâm đúng mức. Ngôi đình cổ Thông Tây Hội qua 317 năm tồn tại là một kiến trúc đang ở trong tình trạng ấy.
 

Đình Thông Tây Hội được xây dựng vào năm 1698 tại Phường 11, Quận Gò Vấp, Sài Gòn.
Thuở Sài Gòn còn hoang sơ, Thông Tây Hội là một ngôi đình cổ của làng Hạnh Thông Tây. Sử sách cũ ghi lại đình tọa lạc tại vùng đất Gò Vấp, tỉnh Gia Định và là một trong những ngôi đình cổ xưa nhất tại Sài Gòn. Đình thờ thần hoàng theo tục lệ của người Việt Nam. Qua hai lần trùng tu quy mô vào năm 1896 và 1927, cấu trúc cảnh quan và vật liệu xây dựng điển hình của ngôi đình cổ ở Nam bộ thế kỷ 18 - 19 vẫn giữ được lại hầu như nguyên vẹn.
Ông Nguyễn Văn Tý, Trưởng ban trị sự đình, cho biết: Nét độc đáo nhất trong kiến trúc đình thể hiện ở phần chính điện, gồm 2 tòa nhà kiểu tứ trụ, mái giáp nhau theo kiểu kiến trúc xưa . Phía trước có 3 hương án gỗ hình vuông được chạm khắc tinh xảo. Dù trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đình Thông Tây Hội vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật quý như sắc thần, bao lam, hoành phi, câu đối, trang thờ… với những đường nét, màu sắc sơn son thếp vàng gần như nguyên bản.
Hiện nay, đình Thông Tây Hội đang xuống cấp trầm trọng. Khu vực thờ tiên sư, nhà tiền hiền, hậu hiền, nhiều cột, vách gỗ bị mối mọt đục ruỗng, có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Một số mái ngói bị bể, nên trời mưa dột tứ bề. Thêm nữa, mặt đường bên ngoài được nâng quá cao nên phần nền khu đình bị lọt thỏm bên dưới, rất dễ bị ngập nước. Toàn bộ các hiện vật thờ cúng nằm trong khu vực này đều phải di dời để tránh hư hỏng và bị mất cắp.
Năm 1998, đình Thông Tây Hội được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Từ ngày được xếp hạng, mọi việc trùng tu, sửa chữa đều phải xin phép Sở và Bộ Văn hóa Thông tin. Kinh phí đầu tư sửa chữa hàng tỉ đồng, nhưng hồ sơ làm tới làm lui nhiều năm vẫn chưa xong, trong khi Ban quản trị đình không có đồng nào. “Chúng tôi đang chuẩn bị huy động tiền từ dân nhưng xem ra rất khó. Nhìn ngôi đình quý giá đang lâm nguy vì… thiếu tiền mà thấy đau lòng lắm”, ông Tý bày tỏ.
Ban quản trị cho biết việc huy động tiền trong cộng đồng để trùng tu không phải là dễ. Ưu thế của chùa là có nhiều Phật tử xa gần đóng góp, còn đình thì người dân gốc gác từ xưa đi làm ăn tứ tán khắp nơi rất khó vận động. Mà càng cổ xưa, càng thiếu tiền thì di tích lại càng ngày càng xuống cấp. Vì vậy, nhìn những ngôi đình cổ hàng trăm tuổi ở Sài Gòn như Thông Tây Hội sắp sập mà đành chịu.
Tuy trong hoàn cảnh eo hẹp nhưng hằng năm, lễ giỗ thần hoàng vẫn được tổ chức trang trọng vào hai ngày 14 và 15 tháng 8 âm lịch, với lễ vật chính rất đặc biệt là heo đực và bò đực. Năm nào lễ cúng đình cũng thu hút nhiều du khách và người dân địa phương tham dự.
Đất Sài Gòn- Gia Định trải qua 300 năm kiến tạo không ngừng của những thế hệ đi trước, đã để lại biết bao công trình lịch sử. Nhưng thay vì gìn giữ, cái phần hồn của Sài Gòn đang mất dần đi trong sự bất lực của lớp người đi sau.
Tú Thanh / SBTN

No comments:

Post a Comment