Có lẽ bạn đọc ở nước ngoài cũng đã biết
sơ qua những kiểu chữ nghĩa như thế này và có thể hiểu được “chuyến tàu
vét” là tàu gì và “hạ cánh” như thế nào. Nhưng người ở VN như tôi thì
quá quen với loại chữ nghĩa ví von này rồi và có một cái nguy là lâu dần
rồi coi như chuyện bình thường. Cũng như chuyện một anh nói dóc nhìn
lên đám mây trên trời thấy râu ông Lê Nin thì không ai tin nhưng khi có
hàng trăm anh nói, tức khắc chuyện đó biến thành sự thật. Tôi cũng sợ
lây cái bệnh ấy nên luôn đề phòng mọi thứ chữ nghĩa kiểu này. Nhưng cái
gì mấy bác hàng xóm hay nói thì phải hiểu họ nói gì.
Chuyến tàu vét trước khi hạ cánh tưởng là
chuyện “vặt” bình thường của hàng dân giả hay “buôn chuyện” thôi, không
ngờ nó lại nhảy vào tòa nhà mới toanh của Quốc hội VN. Nói thẳng ra đó
là những quan chức sắp nghỉ hưu hoặc sắp chuyển công tác, vơ vét tài sản
của nhà nước và cũng không ngần ngại vét luôn của dân lần chót, đưa đàn
em vào vị trí cao hơn để kiếm ăn. Người dân biết và cũng phẫn nộ, nhưng
cũng chỉ thì thào với nhau chứ tố cáo, thưa gửi làm chi cho mang vạ vào
thân. Trong kỳ họp này của Quốc hội VN, một dân biểu đã nói thẳng ra
những tệ nạn này và nguy hiểm hơn nữa, ông cho rằng đó là TÂM LÝ CHUNG.
Những thủ đoạn của “chuyến tàu vét”
Bên hành lang Quốc hội sáng 24/10 vừa
qua, ông Lê Như Tiến – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh
niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã nói với báo giới về công
tác phòng, chống tham nhũng hiện nay. Ông Tiến bày tỏ:
“Tôi đã nhiều lần nói với cơ quan thông
tin và cơ quan quản lý là nên có quy định cấm cán bộ lãnh đạo quản lý
trước khi nghỉ hưu ký quyết định nhân sự và công trình đầu tư, dự án. Đó
chính là phòng ngừa. Chừng nào không phòng ngừa thì vẫn còn xảy ra vì
ai cũng nghĩ rằng chuẩn bị nghỉ thì không còn gì để mất và cố làm chuyến
tàu vét cuối cùng trước khi hạ cánh. ĐÓ LÀ TÂM LÝ CHUNG…”
Tức là hành động của hầu hết các quan
chức chứ chẳng phải chỉ là “một bộ phận cán bộ” mà chẳng ai biết cái
“một bộ phận” đó nó nằm ở chỗ nào. Ông Tiến phanh phui tiếp:
“Có nhiều quan chức vừa rồi sau khi nghỉ
hưu lại ở một vị trí nghe có vẻ thơm thảo hơn, thu nhập lớn hơn với thu
nhập chính đáng trước kia. Vì sao? Vì họ có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng từ
rất sớm. Họ có thể chuyển vốn, tài sản một phần của công ty mẹ sang các
công ty con, công ty cháu để sau nay họ hưởng lợi từ các công ty đó. Họ
cũng mua bán, tham gia cổ đông của nhiều công ty, trong khi pháp luật
của ta không cầm điều ấy. Anh có tiền, có khả năng thì cứ mua cổ phiếu.
Thậm chí, tôi được biết có những công ty, doanh nghiệp trực thuộc bộ đó
lại mua hàng vạn cổ phiếu, cổ phần cho các quan chức lãnh đạo. Đó cũng
chính là một kẽ hở. Mà họ cũng rất tinh vi, không đứng tên mà lấy tên
con cháu, người thân. Đó chính là một hình thức chuyển dịch tài sản cho
những người thân của mình…”
Vụ ông Hồ Xuân Mãn liên quan đến vụ ông Trần Văn Truyền
PV hỏi: Sau hàng loạt vụ việc xảy ra
đối với các quan chức nghỉ hưu, theo ông, chúng ta cần có qui định riêng
về quản lý cán bộ nghỉ hưu hay không?
Ông Tiến nói: Tôi nghĩ là cần có những
qui định quản lý cán bộ cao cấp sau nghỉ hưu vì ai cũng phải quản lý.
Công dân bình thường cũng phải quản lý nữa là cán bộ cao cấp. Trường hợp
của ông Hồ Xuân Mãn khi đã nghỉ hưu xuất hiện việc man khai nhận danh
hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang thì cho đến bây giờ Ủy ban kiểm tra
Trung ương vẫn làm ra và khẳng định có 8/15 vấn đề không đúng sự thật và
quyết định thu hồi lại danh hiệu đó. Việc đó ta vẫn làm được vậy tại
sao với ông Truyền và những người khác lại không?
(Việc ông Hồ xuân Mẫn khai man thành tích
tôi đã tường thuật với bạn đọc trong bài “Khai man thành tích cướp công
đồng đội ngày 08- tháng 3 năm 2013).
Về những thông tin và một số hình ảnh
trên báo chí mô tả những dinh thự, biệt thự, nhà đất là một phần trong
khối tài sản khổng lồ được cho là của ông Trần Văn Truyền, nguyên Ủy
viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ đến nay vẫn còn
thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận.
PV hỏi: Vậy với việc của ông Trần Văn
Truyền, với khối tài sản lớn như thế mà đến chưa có kết quả điều tra
gì. Ông có thấy nghi hoặc gì không?
Ông Tiến nói: Các cơ quan bảo vệ pháp
luật phải vào cuộc, vì chúng ta không thể nói mà thiếu căn cứ được.
Nhưng các cơ quan này phải vào cuộc khẩn trương vì khối tài sản ấy,
những căn cứ pháp lý ấy không phải là cái gì quá phức tạp, quá khó khăn.
Nếu đó là tài sản từ công sức, mồ hôi, nước mắt của ông Truyền hoặc từ
con cháu ở nước ngoài gửi về hay do người quen biếu tặng thì vô can.
Theo tôi, muốn phòng, chống tham nhũng
phải làm rất rõ việc minh bạch tài sản và nghĩa vụ giải trình. Nghĩa vụ
giải trình mà không làm được tốt thì thuộc trách nhiệm người đứng đầu.
Lâu nay chúng ta có kê khai tài sản nhưng
không công khai. Phải công khai ở nơi cư trú và nơi công tác thì các cử
tri, cán bộ công chức dưới quyền người ta mới kiểm soát được và hơn ai
hết, bất cứ việc gì ở khu dân cư người ta biết ngay (anh có ô tô gì, nhà
cửa ra sao, lối sống như thế nào…). Chúng ta cứ nói phát huy vai trò
“tai mắt” là nhân dân nhưng thực ra chúng tạo cơ chế cho nhân dân phòng,
chống tham nhũng còn rất khiêm tốn.
Tham nhũng nhà công vụ
Ngoài ra trong phiên thảo luận về kinh tế
xã hội tại Quốc hội ngày 31.10, ông Lê Như Tiến cho rằng cần đưa thêm
vào Bộ luật hình sự một tội danh mới là “tham nhũng nhà công vụ”.
Ông Lê Như Tiến nêu ra một ý kiến rất
đáng để suy nghĩ, đó là tham nhũng vặt vài chục triệu đồng cũng bị xử
lý, nhưng tham nhũng nhà công vụ có giá trị nhiều tỉ đồng lại chưa ai bị
xử lý. Phân tích về loại tham nhũng này, ông Tiến nói rõ từng mẹo chiếm
đoạt nhà công vụ: “Có người tuy không ở nhưng lại… lỡ mang cả chìa khoá
nhà công vụ về quê để ở biệt thự, nhà lầu mà đàn em đã xây sẵn ở quê
nhà. Có người còn để cho con cháu họ hàng ở nhờ và nhiều người thông
minh hơn thì thậm chí cho thuê để hưởng thêm mỗi tháng một khoản tiền
lớn hơn nhiều khoản phải bỏ ra thuê căn nhà đó của nhà nước”.
Quỹ nhà công vụ rất lớn, trong đó có
nhiều tòa nhà, biệt thự ở những vị trí đất vàng, rất có giá trị. Cán bộ
cao cấp ở những căn biệt thự này, có người trả lại cho nhà nước, nhưng
cũng có nhiều người muốn giữ làm của riêng. Ông Tiến dẫn chứng:
Tính đến tháng 9/2014, tổng quỹ nhà ở
công vụ trên cả nước là hơn 1,6 triệu m2, trong đó có hàng trăm biệt thự
công, hàng chục nghìn chung cư… “Song một số cán bộ sau khi thôi chức
vụ đã tự cho mình quyền sử dụng nhà công vụ vĩnh viễn, biến biệt thự
công thành tư, cho con cháu ở, hoặc cho thuê để hàng tháng hưởng khoản
tiền trời cho”.
Hãy nhìn vào thực tế đất nước, nhiều nơi
dân phải đu dây qua sông, giáo viên đến trường bằng túi nilong trong
dòng nước dữ, trẻ em ngồi học trong phòng tranh nứa. Nhà công vụ cao
sang để làm gì, ngủ sao yên giấc khi nghĩ về đất nước còn nghèo, dân còn
quá khổ. Vậy mà các quan vẫn cứ ăn nó ngủ kỹ trong những tòa nhà “hoành
tráng” của nhà nước tức là của nhân dân. Lòng tham của con người quả
không đáy.
Thật ra đây cũng nằm trong mớ lộn xộn của
những “chuyến tàu vét” của các quan đã nghỉ làm nhưng vẫn có cố bám lấy
tất cả những gì có thể bám được như một loài đỉa đói. Theo báo chí
phanh phui một số nhà công vụ đang bị chiếm giữ, cụ thể như khu nhà ở
công vụ Hoàng Cầu (61 Trần Quang Diệu, quận Đống Đa, TP Hà Nội) có
80 căn được đưa vào sử dụng từ năm 2000. Có không ít trường hợp mặc dù
cán bộ đã về hưu rồi, họ vẫn giữ lại nhà công vụ này cho con cháu, người
thân quen ở hoặc tiếp tục ở, thậm chí nhiều nhà khóa cửa để đó. Tôi chỉ
kể vài cái tên trong số hàng chục cái tên đã được phanh phui trên báo
chí:
- Ông Hồ Xuân Hùng nguyên là cán bộ cao
cấp của Văn phòng Chính phủ được giao căn nhà số 302, dãy nhà B2. Ông
Hùng đã nghỉ hưu nhưng hiện căn nhà này do con và cháu ông đang ở.
- Bà Trần Thị Minh Chánh nguyên là cán bộ
cao cấp của Văn phòng Quốc hội được giao căn nhà 403, dãy nhà B1. Bà
Chánh đã về hưu. Hiện ở căn nhà này là gia đình con của bà.
- Hay như trường hợp nguyên Thứ trưởng Bộ
TN&MT Nguyễn Văn Đức, sau khi về hưu vẫn chưa trả lại nhà công vụ
là căn nhà 605, dãy nhà A1, mà chỉ đóng cửa để đó. Cũng thế, nguyên Thứ
trưởng Bộ TN&MT Triệu Văn Bé hiện vẫn còn nhà công vụ là căn nhà số
307, dãy nhà B1, dù ông đã về hưu bảy năm
Đã có nhiều đề nghị phải công khai danh
tính hết các quan chức không chịu trả nhà nhưng chẳng biết bao giờ mới
thực hiện hay vì nể nang chẳng bao giờ thực hiện được! Một thứ tội khác
“mới mẻ hơn” cũng được mang ra bàn cãi.
Việt Nam chắc chắn có tình trạng hối lộ bằng tình dục
“Hối lộ tình dục” là cụm từ lần đầu tiên
xuất hiện chính thức ở Việt Nam, trong lĩnh vực chống tham nhũng, từ một
quan chức có thẩm quyền của cơ quan chống tham nhũng.
Mới đây, tại hội nghị “Hoàn thiện các quy
định về tội hối lộ trong Bộ luật Hình sự”, ông Nguyễn Doãn Khánh, Phó
Trưởng ban Nội chính Trung ương, cho biết hiện nay ở Việt Nam chắc chắn
có tình trạng hối lộ bằng tình dục. Nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam nên
đưa hành vi hối lộ bằng tình dục vào Bộ luật Hình sự. Trong khi đó, thực
tế hiện nay tại nhiều nước tiên tiến trên thế giới, hành vi hối lộ tình
dục đều bị quy thành tội hình sự và bị xử lý rất nặng.
Giải thích tại sao hiện nay Việt Nam chưa
đưa hối lộ tình dục vào luật hình sự, nhiều chuyên gia cho rằng hành vi
hối lộ bằng tình dục là hiện tượng không mới nhưng để đưa vào những quy
luật pháp luật để xử lý thì rất khó. Phát hiện ra hối lộ tình dục càng
khó hơn, nhất là chuyện có nhân chứng vật chứng, bởi như lời Phó ban Nội
chính T.Ư Nguyễn Doãn Khánh, thông thường cả người đưa và người nhận
đều không muốn đề cập, không tiết lộ.
Đó là thứ chuyện “rất bí mật” trong xã
hội VN hiện nay, giả dụ như một bà thương gia đổi tình cho quan chức cỡ
bự để được trúng thầu hoặc mưu lợi gì đó cho mình nhưng quan không làm
được hoặc cố tình làm lơ sau khi đã thỏa mạn cùng bà, nhưng bà “hiền
phụ” này cũng không dám thưa kiện gì vì sợ mang tiếng xấu cho cả cái gia
đình bề thế, đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Nếu là chuyện hối lộ tiền bạc
thì còn dám thưa kiện hoặc bắt quả tang. Nhưng trao đổi bằng thể xác
“cao quý” của các bà, chẳng bà nào dại gì cho các chú công an bắt quả
tang. Đó là những chuyện có thật, như một dòng chảy âm thầm tại VN. Đến
nay mới được công nhận và mang ra ánh sáng đề nghị đưa vào luật. Còn bao
giờ có luật và luật như thế nào xin đợi “hồi sau phân giải”. Hiện nay ở
nhiều nước trên thế giới đã từng đưa ra tòa kết án nặng tội này. Xin
tóm tắt vài vụ hối lộ tình dục gần đây chấn động nhất trên thế giới xảy
ra tại vài nước láng giềng.
- Từ cô gái thất học trở thành người tình của Bộ trưởng Đường sắt Lưu Chí Quân
Trong chiến dịch “đả hổ diết ruồi” của
Trung Cộng, bạn đọc đã biết rất nhiều quan tham nhũng cỡ bự có hàng tá
bồ bịch kể cả việc đổi tình lấy công việc làm ăn đã bị phanh phui. Vụ án
hối lộ tình dục lớn nhất xảy ra vào tháng 6.2013, tòa án nước này đã
tuyên án tử hình treo đối với cựu Bộ trưởng Đường sắt Lưu Chí Quân và
tịch thu toàn bộ tài sản.c
Đinh Thư Miêu – 57 tuổi – có quan hệ phức
tạp với Lưu Chí Quân. Từ một cô gái thất học bán rong, Đinh Thư Miêu
gặp Lưu Chí Quân khi đã 40 tuổi và trở thành người tình của ông này.
Lợi dụng quan hệ tình ái, Đinh Thư Miêu
can thiệp sâu vào các hoạt động đấu thầu hàng chục dự án của ngành đường
sắt Trung Quốc. “Yêu nữ” này bị cáo buộc hối lộ, kinh doanh trái phép
với số tiền lên tới 29 tỷ USD, tương đương 1/4 số tiền đầu tư của chính
phủ Trung Quốc vào ngành đường sắt năm 2010.
Báo chí Trung Quốc trích dẫn cáo trạng
cho biết, nhan sắc không còn nhưng vẫn muốn “cột chân” Lưu Chí Quân,
Đinh Thư Miêu đã dùng tiền đưa các thiếu nữ trẻ đẹp tới phục vụ người
tình. Đổi lại, ông Lưu đã giúp 23 doanh nghiệp do Đinh Thư Miêu “rỉ tai”
trúng thầu hơn 50 dự án liên quan đến đường sắt. Miêu đã thẳng thắn
khai: “Chọn vợ tốt không bằng tặng quà chuẩn. Chuẩn ở đây là phụ nữ,
càng xinh đẹp càng tốt, thậm chí càng nổi tiếng càng làm bộ trưởng vui.
Mà khi đã vui thì xin cái gì cũng dễ”.
- Nghị sĩ Indonesia tham dự buổi biều diễn “sung sướng”
Dư luận Indonesia một thời nóng ran vì bê
bối liên quan đến nghị sĩ Emir Moeis thuộc Đảng Dân chủ đấu tranh
(PDI-P) bị cáo buộc nhận 300.000 USD từ Nhà máy điện Pháp Alstom để giúp
hãng trúng thầu dự án xây nhà máy điện trị giá 212 triệu USD ở Lumpung
năm 2004. Theo điều tra vào năm 2012 của Ủy ban Chống Tham nhũng
Indonesia (PKP), ông nghị này đã tham dự một buổi yến tiệc tại Paris và ở
đó có màn biểu diễn “sung sướng” dành cho đàn ông.
- Lãnh đạo Cục Phòng chống Ma túy trung ương Singapore và bà nữ giám đốc
Ông Ng Boon Gay, lãnh đạo Cục Phòng chống Ma túy trung ương Singapore, bị tố cáo lạm dụng quyền hành để quan hệ tình dục với nữ giám đốc một công ty công nghệ tên là Cecilia Sue Siew Nang. Vụ bê bối này đã làm chấn động dư luận Singapore. |
Thông tin cho biết, Ng Boon Gay đã lên
giường với bà Sue nhiều đến nỗi không thể nhớ chính xác bao nhiêu lần.
Phía bà Sue thì sẵn sàng trao thân để tìm cách ký được hợp đồng với CNB.
Khi cơm không lành canh không ngọt, bà
Sue cáo buộc Ng Boon Gay ép bà quan hệ, song cựu lãnh đạo CNB nói, bà là
nhân tình của ông và tự nguyện làm chuyện đó. Tuy nhiên, cơ quan công
tố Singapore cho rằng, dù là ngoại tình thì chính ông Ng cũng đã thừa
nhận mối quan hệ tình ái này có ảnh hưởng đến các hợp đồng công nghệ.
Trở lại chuyện ở VN, đến đây tôi xin dẫn chứng cụ thể vài “chuyến tàu vét” của các quan về hưu.
- Tuồn vốn nhà nước cho công ty gia đình
Trong thời gian điều hành Công ty Cảng
Vũng Rô, từ tháng 5-2001 đến năm 2013, Nguyễn Minh đã dùng vốn của Nhà
nước thành lập Công ty Đại Lộc (địa chỉ tại Khu công nghiệp Đồng An, thị
xã Thuận An, Bình Dương). Để che mắt cơ quan chức năng, Minh nhờ cháu
của mình đứng tên đăng ký kinh doanh với chức danh giám đốc. Sau khi
thành lập công ty “sân sau”, với sự tiếp sức của các cán bộ cấp
dưới, Minh ra sức tuồn vốn Nhà nước cho Công ty Đại Lộc. Hầu hết nguồn
vốn của Công ty Cảng Vũng Rô đều tập trung vào việc mua bán vải sợi với
Công ty Đại Lộc… Theo cơ quan điều tra, Minh cùng các bị can khác đã gây
thiệt hại hơn 37 tỉ đồng.
Kiểu làm ăn này không hiếm ở VN, nếu nhìn
lại một số công ty gọi là tư nhân lớn, chẳng thiếu gì công ty đó là
“sân sau” của một số quan chức có quyền hành trong bất cứ lãnh vực nào
đó. Một nhà hàng sang trọng, một khách sạn 4-5 sao thường là của các
quan lớn mới đứng vững được.
- Nguyên Tổng thanh tra Chính phủ bổ nhiệm 23 cán bộ trước khi về hưu
Ông Trần Văn Truyền–
nguyên là Tổng Thanh tra Chính phủ, trước khi nghỉ hưu đã ký bổ nhiệm
hàng loạt cán bộ, trong đó có rất nhiều người không nằm trong quy hoạch.
Từ tháng 3/2011 đến ngày 3/8/2011 ông
Trần Văn Truyền ký quyết định bổ nhiệm gần 60 cán bộ cấp vụ (và tương
đương) tại cơ quan Thanh tra Chính phủ; chỉ trong 2 ngày (1/8 và 3/8) ký
bổ nhiệm 26 người, riêng ngày 3/8/2011 ký bổ nhiệm 22 người.
Về quyết định bổ nhiệm ồ ạt này, Phó tổng
Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cho biết: “Chúng tôi nhận thấy có
khuyết điểm”, ông Lượng nói và cho hay đơn vị đã tổ chức kiểm kiểm. Theo
ông Lượng, công tác cán bộ theo quy định là trách nhiệm của tập thể
trong đó có người đứng đầu.
Đó là chuyện lớn ở trung ương, quan đứng
đầu ngành thanh tra còn làm chuyến tàu vét như thế thì hỏi làm sao các
quan nhỏ không bắt chước.
“Đa quan thì tàn dân”, các cụ đã nói thế chẳng
sai tí nào. Đã có khối vị chuẩn bị nghỉ hưu hoặc chuyển công tác bèn ký
hàng loạt quyết định cho con cháu mình vào làm công chức kiếm chác. Cụ
thể như 3 ngày trước khi chuyển sang làm Chi cục trưởng Dân số Kế hoạch
hóa gia đình tỉnh Quảng Nam, ông Mười đã ký hàng loạt hợp đồng cho cháu
mình và người thân của cán bộ Trung tâm y tế huyện Thăng Bình.
Thật ra những chuyện này chẳng có gì mới,
đã và đang xảy ra hàng loạt, người dân cho đó là thứ chuyện hàng ngày ở
huyện. Năm nào các ông đại biểu của dân cũng mang ra bàn đi tán lại rất
xôm tụ nhưng kết quả ra sao thì “cứ đợi đấy đã”. Năm nay còn khá nhiều
vấn đề nóng và “nhạy cảm” nữa đang được mang ra mổ sẻ, tôi sẽ tường
thuật với bạn trong kỳ khác.
Văn Quang – 07 tháng 11- 2014
No comments:
Post a Comment