Danh Ngôn

Danh Ngôn

Lời Vàng ý Ngọc

Lời Vàng ý Ngọc

Sunday, December 29, 2013

Điều cay đắng cần phải lên tiếng: Lương y như… dì ghẻ

Còn gì đau xót hơn thay khi nhìn thấy, nghe thấy những cái chết thương tâm của những đứa trẻ sơ sinh vô tội trên khắp cả nước, những linh hồn bẻ nhỏ của đất mẹ Việt Nam chỉ vừa chào đời đã bị cướp đi mạng sống một cách oan ức ngay trên quê hương mình bởi những người y sĩ, bác sĩ vô trách nhiệm, hay bởi một xã hội không còn biết đến việc quý trọng mạng sống là gì.
  Cali Today News - Năm 2013 đang dần khép lại với những sự kiện kinh tế, chính trị, xã hội nóng bỏng. Nhưng có lẽ trong năm vừa qua, những sự kiện của ngành y tế ở Việt Nam là bị dư luận trong nước phẫn nộ và quan tâm nhiều nhất. 
 
Từ những cái chết thương tâm của hàng loạt trẻ sơ sinh sau khi tiêm chủng ngừa vắc-xin, những cái chết bất thường đầy oan ức của sản phụ trong lúc sinh nở, sự việc sao chép kết quả xét nghiệm ở bệnh viện Hoài Đức (Hà Nội) và bệnh viện Y học thành phố Cần Thơ, đến việc bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường (giám đốc thẩm mỹ viện Cát Tường ở Hà Nội) gây ra cái chết cho một phụ nữ rồi vứt xác nạn nhân phi tang đến nay vẫn chưa tìm được xác, rồi cả chuyện có một không hai trong ngành y học thế giới nhưng đã xuất hiện ở Việt Nam, bác sĩ trở thành “đao phủ” tiêm thuốc độc tử hình tử tù. Sau những chuỗi sự kiện bê bối của ngành y tế ở Việt Nam trong năm 2013, có thể câu nói ca ngợi y đức của ông bà ta ngày xưa “Lương y như từ mẫu” đã được xã hội Việt Nam ngày nay biến đổi thành “Lương y như… dì ghẻ”.
 
Cha của một trong ba trẻ bị nạn tại khoa sản Bệnh viện đa khoa Hướng Hóa, Quảng Trị - đau đớn đưa con về sau khi khám nghiệm tử thi - Photo courtesy: tuoitre.vn
 
Từ đầu năm 2013 đến nay, con số trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm vắc xin ngày một tăng trên khắp mọi miền đất nước. Nguyên nhân được đưa ra là do sai sót tiêm nhầm thuốc cho trẻ, do không tiêm đúng liều vắc xin cho trẻ, do những kĩ năng trong quá trình thực hiện tiêm chủng ngừa và bảo quản vắc xin còn quá nhiều sơ sót. Ấy vậy mà đằng sau những cái chết đáng thương tâm của hàng loạt trẻ sơ sinh, báo cáo của bộ trưởng bộ y tế, bà Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ vỏn vẹn vài câu thờ ơ rằng trẻ sơ sinh tử vong do bệnh lý có sẵn của trẻ, do cơ địa của trẻ sơ sinh không hợp với các loại vắc xin cần tiêm (như vắc xin chống viêm gan B, vắc xin ngừa lao phổi…), và do không xác định được nguyên nhân!!? Và sau khi dư luận, báo chí phẫn nộ lên tiếng, số tiền mà những người cha người mẹ đau xót mất con được bồi thường chỉ vài triệu đồng để làm tang lễ. Có người trông mong lắm, sau hơn 10 năm mong mỏi mới sinh được một đứa con, vui mừng khôn xiết khi thấy con mình đang sống, đang bú, đang cười thì đột ngột chết sau khi tiêm vắc xin. 
 
Phiếu xét nghiệm huyết học tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội) của hai người khác nhau nhưng các kết quả xét nghiệm lại hoàn toàn giống nhau. Photo courtesy: giaothongvantai.com.vn

     Còn gì đau xót hơn thay khi nhìn thấy, nghe thấy những cái chết thương tâm của những đứa trẻ sơ sinh vô tội trên khắp cả nước, những linh hồn bẻ nhỏ của đất mẹ Việt Nam chỉ vừa chào đời đã bị cướp đi mạng sống một cách oan ức ngay trên quê hương mình bởi những người y sĩ, bác sĩ vô trách nhiệm, hay bởi một xã hội không còn biết đến việc quý trọng mạng sống là gì.  
    Mà có lẽ mạng sống của con người trong xã hội Việt Nam ngày nay còn rẻ mạt hơn cả một con vật. Rẻ mạt đến mức mà sau khi thực hiện phẫu thuật nạn nhân đã chết, bác sĩ cũng nhẫn tâm vứt xác nạn nhân xuống sông để phi tang không một chút thương tiếc.
       Đó là vụ việc của bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường, giám đốc thẩm mỹ viện Cát Tường ở Hà Nội. Như tin các báo trong nước đã đưa. Ngày 19/10, chị Lê Thị Thanh Huyền (37 tuổi ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã đến Thẩm mỹ viện Cát Tường (45 Giải Phóng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) để thực hiện giải phẫu thẩm mỹ hút mỡ bụng, nâng ngực. Chủ thẩm mỹ viện cũng là giám đốc thẩm mỹ viện Cát Tường là bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường trực tiếp làm phẫu thuật cho chị trong 4 giờ. Sau đó, chị Huyền 2 lần rơi vào trạng thái sùi bọt mép, cơ thể tím tái, co giật... Thay vì đưa đi cấp cứu, bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường bơm một liều thuốc Diafegam nhưng chị Huyền vẫn không qua khỏi. 23h cùng ngày, bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường cùng nhân viên bảo vệ của thẩm mỹ viện đưa xác chị Huyền ra xe chở đến cầu Thanh Trì, vứt xuống sông Hồng. Và đến hôm nay, thi thể nạn nhân vẫn chưa được tìm thấy dù rằng gia đình nạn nhân đã dung mọi phương pháp từ khoa học kĩ thuật, đến ngoại cảm, tâm linh. Sau hơn 2 tháng nạo hút cát nhiều đoạn sông, tìm kiếm dọc bờ sông đến ra cửa biển, nhờ đến các nhà ngoại cảm, tâm linh nhưng vẫn chưa tìm thấy xác nạn nhân, đã có ý kiến cho rằng vị bác sĩ này đã phi tang thi thể nạn nhân ở đâu đó. 
 
BS Nguyễn Mạnh Tường có đang che giấu một sự thật kinh hoàng hơn?Photo courtesy: moi24h.com
 Vụ việc này đã gây phẫn nộ cho dư luận trong nước hơn 2 tháng qua, và có lẽ sau vụ việc này, niềm tin vào y đức của người bác sĩ, người thầy thuốc trong xã hội Việt Nam bao năm qua đã bị đánh mất. Dẫu biết rằng trong quá trình thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân, đôi khi có những việc xảy ra không mong muốn, nhưng việc gây ra cái chết rồi ném xác nạn nhân phi tang là một việc không thể chấp nhận được với một người được khoác áo blouse trắng, được mang danh “bác sĩ”, cái nghề được xã hội coi trọng và được xem là đáng quý nhất. Thiết nghĩ, nếu như bác sĩ Tường biết suy nghĩ chính chắn hơn sau khi gây ra cái chết thương tâm cho chị Huyền, thì gia đình nạn nhân, xã hội, và dư luận cũng sẽ có cái nhìn bao dung hơn cho anh ta. Bất cứ ai trong chúng ta cũng phải cám thấy đau lòng khi nhìn hình ảnh người chồng và hai đứa con thơ dại của nạn nhân cùng người thân, bạn bè trong buổi lễ 49 ngày để đưa di ảnh lên chùa mà không có xác chị.
     Càng thấy đau lòng, thì lại càng thấy căm phẫn với những người có trách nhiệm và có liên quan trong ngành y tế. Phải chăng đạo đức lương y thời nay ở xã hội Việt Nam đang dần bị thoái hóa đến mức không còn gì để phục hồi?
     Đạo đức ngành y thoái hóa mức độ nặng thì nhẫn tâm đến mức vứt xác phi tang. Còn đạo đức thoái hóa mức độ nhẹ thì không có bệnh nhân, bác sĩ ngồi chơi, xơi nước, bệnh nhân đông quá thì bác sĩ khám qua loa, thậm chí chẳng buồn lấy kết quả xét nghiệm chính xác mà cứ việc sao chép, “photocopy” kết quả xét nghiệm cho hàng loạt bệnh nhân, từ kết quả xét nghiệm đơn giản như xét nghiệm tiểu đường, xét nghiệm máu, đến những kết quả xét nghiệm nghiêm trọng mạng sống của bệnh nhân như xét nghiệm HIV. Đã có trường hợp bệnh nhân phải thực hiện 3 lần xét nghiệm ở 3 nơi khác nhau trong cùng 1 thành phố để biết và tin chính xác là kết quả xét nghiệm HIV của mình là âm tính.
 
Nếu như vụ việc bác sĩ Cát Tường nhẫn tâm vứt xác nạn nhân phi tang xuống sông điển hình cho sự thoái hóa đạo đức ngành y thì vụ việc bác sĩ bị ép làm “đao phủ” tiêm thuốc độc tử hình tử tù lại được xem là một nỗi buồn nhức nhối cho ngành y tế ở Việt Nam khi bị đưa đẩy vào một hoàn cảnh mà bất cứ một người bác sĩ nào cũng không hề mong muốn. 
 
   Trong thời gian vừa qua, pháp luật Việt Nam đã ban hành việc tiêm thuốc độc cho những tử tù bị buộc tội tử hình. Và “đao phủ”, người được ra lệnh thực hiên việc tiêm thuốc độc thi hành án giết chết tử tù lại là… bác sĩ. Có lẽ trong lịch sử ngành y trên thế giới, sự việc trái lương tâm đạo đức này chỉ có ở ngành y tế Việt Nam. Người bác sĩ (ở Phú Yên) bị ép vào hoàn cảnh trớ trêu này đã tâm sự trên báo rằng “đó là một việc tôi không bao giờ dám nghĩ tới. Tôi được đào tạo và huấn luyện để cứu người, giành giật lại mạng sống của các bệnh nhân thập tử nhất sinh, chưa bao giờ tôi nghĩ đến việc mình phải hỗ trợ để cơ quan chức năng thi hành án tử hình một phạm nhân như thế này. khi biết nhiệm vụ của tôi là phải hỗ trợ tìm tĩnh mạch, đưa kim tiêm vào tĩnh mạch và đặt các dụng cụ đo điện cực để đo tim mạch của tử tù. 
 Nghe như thế, tôi rất sốc và hoảng hốt! Thật sự cho đến giờ tôi vẫn còn sốc và rất ám ảnh. 
Tôi tự hỏi vì sao trong lực lượng công an cũng có bác sĩ, hoặc các bác sĩ pháp y, hoặc các cán bộ y tế trại giam, đều là những người có đủ độ vững về thần kinh và dễ dàng tìm tĩnh mạch tử tù để hỗ trợ cho lực lượng thi hành án mà lại không được cử đi, trong khi chúng tôi là những thầy thuốc điều trị, chuyên cứu người, còn rất trẻ, lại phải đi làm một việc mà trong cuộc đời mình không bao giờ dám nghĩ tới như vậy?”
 
Dẫu biết rằng thi hành án tử tù bằng tiêm thuốc độc vẫn đang là một vấn đề được tranh cãi từ nhiều phía. Nhưng việc để một vị bác sĩ, người được đào tạo để cứu người, người mà xã hội coi trọng, yêu quý lại tham gia thi hành án tiêm thuốc độc tử hình tử tù là một việc hoàn toàn trái với đạo đức ngành y. 
   Thiết nghĩ để thực hiện lệnh thi hành án tiêm thuốc độc tử tù, thì bộ y tế cần phải tuyển và đào tạo một lực lượng riêng của ngành tư pháp chứ không thể để bác sĩ làm việc này, vì nó ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của những người được khoác trên mình chiếc áo blouse trắng có trách nhiệm cứu người.  
 
    Nhưng liệu bà Nguyễn Thị Kim Tiến – bộ trưởng bộ y tế Việt Nam có nghĩ đến vấn đề này và những biện pháp giải cứu được những sinh mạng con người chết oan uổng chăng? Hay sau những vụ bê bối của ngành y tế Việt Nam trong năm qua, bà chỉ đang lo lắng cho chiếc ghế bộ trưởng của bà sẽ bị mất vào năm tới? 
 
Và cho đến bao giờ niềm tin vào y đức của người dân Việt Nam chúng ta lại được như câu nói của ông bà ta ngày xưa “Lương y như từ mẫu” chứ không phải cứ sống mãi với những lo lắng, lo sợ nguy hiểm của ngành y tế nước nhà.
 
Dẫu biết rằng không phải lương y nào cũng là “lương y như dì ghẻ”, nhưng hiện tượng tha hóa y đức tại Việt Nam ngày nay đã gia tăng đến mức cần báo động.
 
Long Vi

No comments:

Post a Comment