Danh Ngôn

Danh Ngôn

Lời Vàng ý Ngọc

Lời Vàng ý Ngọc

Monday, May 27, 2013

Hà Nội và những sự khác biệt



Tác Giả
Ngọc Quân

  Nếu chỉ thông qua những kênh truyền thông và báo chí ta chẳng thể nào thấy hết sự bát nháo của một thành phố thủ đô của một nước. Và thật trớ trêu khi nó lại được Unesco trao giải "Thành phố vì Hòa Bình". Ấy là chưa nói, báo chí bị kìm hãm rất nhiều khi phơi bày cái xấu của Hà Nội.


Ha Noi

Những gánh hàng rong là hình ảnh quen thuộc trên các con phố ở Hà Nội. Nhưng hãy cẩn thận nếu bạn không biết nói thổ âm miền Bắc, hoặc bạn giống như khách du lịch sẽ dễ dàng trở thành miếng mồi ngon cho các chị "chém" đẹp.


Tuy ở cùng trong một Quốc gia, nhưng chi phí để người trong Nam ra Hà Nội cao hơn rất nhiều so với việc tới các nước trong khu vực như: Mã Lai, Thái Lan, Lào, Campuchia… Chặng đường kéo dài gần cả 2000 cây số khiến cho chi phí đi lại nhồi lên đáng kể.

Tích cóp cả mấy tháng, tôi quyết định làm một chuyến du hý miền Bắc và đương nhiên phải đến Hà Nội.


Những khác biệt

Trong rất nhiều thành phố ở trong Nam mà tôi đã đi qua, chẳng nơi nào lại lộn xộn như tại Hà Nội. Trong dòng xe ngược chiều xuôi ngược trên đường phố, cái âm thanh phát ra từ những chiếc còi xe làm người khác phải bực mình. Cho dù trong luật giao thông đường bộ có quy định hẳn việc hạn chế sử dụng còi xe trong nội thành. Ngay cả việc giao tiếp với nhau, người Hà Nội cũng chẳng có chút gì là nhã nhặn, lịch thiệp. Từ chị gánh hàng rong bán trên vỉa hè phố cổ, đến anh xách cặp táp làm ở công sở, trên môi thường văng tục ngay cả những khi chẳng cần thiết. Văng tục đã trở thành quen miệng với người Hà Nội.

Câu thơ của Nguyễn Công Trứ, rằng:

Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An

Được Hà Nội xem như là câu thơ ví von để nói về sự thanh lịch của con người tại đây. Nghiệt nỗi là, Hà Nội trong lịch sử chưa bao giờ có tên là Tràng An. Tràng An là địa danh ở tuốt tận Ninh Bình. Và câu thơ "dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An" không thể dành cho người Hà Nội. Và nếu có thì đó phải là những người trước năm 1954. Điều này ta có thể kiểm chứng ở những người Bắc di cư hồi năm 54 tại trong Nam. Từ giọng nói, khuôn phép, lịch sự đều toát lên sự trang nhã, quý phái, lịch thiệp.


ha-noi-khac-biet 2

Cầu Thê Húc

Chính quyền Cộng Sản bắt buộc người dân đội nón bảo hiểm khi đi xe máy, nhưng ở Hà Nội, người không đội nón này chính là người khẳng định đẳng cấp. Họ có thể là quan chức, có thể là con ông cháu cha, hoặc họ có thể là tay trùm đầu gấu. Cảnh sát giao thông khi nhìn thấy những tay này thường tảng lơ mà bỏ qua. Có lẽ bởi vì vậy mà trên đường rất nhiều những người chạy xe không đội nón.

Nếu xe Honda 67 ở miền Nam rất phổ biến, thì ngoài Bắc ngược lại. Anh bạn tôi cho mượn một chiếc 67, tôi rong ruổi trên đường và trong hành trình miền Bắc, chiếc 67 ấy là duy nhất. Và, cũng như để khẳng định đẳng cấp, anh bạn tôi chẳng bao giờ đội nón bảo hiểm khi ngồi lên chiếc xe ấy. Ngay cả khi cho tôi mượn xe, anh ấy vẫn nói: "Cậu cứ chạy đi, Cảnh sát giao thông bắt cậu vì tội không đội nón bảo hiểm tớ sẽ chịu".

Hà Nội không phải là thành phố kinh tế, tài chính, mà đặc trưng của thành phố này là chính trị. Thế nhưng, nếu nhìn vào số lượng xe hơi từ mẫu mã, kiểu dáng, nhãn hiệu đều ăn đứt Sài Gòn. Cho dù Sài Gòn vẫn được xem thủ phủ về kinh tế. Trên những con đường ở đây, xe hơi đậu nhan nhản. Đầy đủ các loại xe hiệu trên thế giới, từ Audi, BMW, Mercedes. Rồi cả những chiếc xe thể thao nổi tiếng Ferrari.

Nếu ở miền Nam người ta dễ dàng nhận thấy sự hòa nhã, lịch sự trong cung cách phục vụ thì ở Hà Nội ngược lại. Tôi đến một quán cháo lòng ở gần bến xe Mỹ Đình, gọi một tô nhưng mãi chẳng thấy ai mang đến. Trong khi những người đến sau tôi rất lâu lại được phục vụ trước. Sau này mới biết được, vì cái giọng miền Nam nên không được phục vụ.

Tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy trên phố Bát Đàn dòng người xếp hàng để vào quán ăn một bát phở. Trong đó có cả những người là viên chức nhà nước. Phở Bát Đàn được nổi tiếng ngon, nhưng có cần thiết để bỏ quá nhiều thời gian cho việc xếp hàng đứng đợi đến phiên mình được phục vụ chỉ vì một bát phở? Trong khi ấy có biết bao nhiêu công việc đang chờ những vị viên chức kia phải làm.

Cái may mắn của tôi là quen biết khá nhiều với những người bạn làm báo ở Hà Nội. Họ rất nhiệt tình giải đáp những khúc mắc. Và trong thời gian lưu lại đây, tôi vẫn thường xuyên được họ mời đi uống bia để hàn huyên. Chỉ là những ly bia hơi, với 4 người ngồi nói chuyện, chẳng hiểu làm sao mà mỗi khi tàn cuộc, số tiền phải thanh toán thường phải lên đến hơn cả triệu đồng.


ha-noi-khac-biet 3

Vẻ đẹp của Hà Nội cổ kính luôn đi kèm Hồ Hoàn Kiếm. Nó được đi vào nhiều trong thi ca. Và người Cộng sản tận dụng điều đó để quảng bá cho búa liềm của họ. Trên con đường vòng quanh hồ, rất nhiều biểu tượng búa liềm được treo lên.

Sẽ rất khó để so sánh ở miền Bắc nhậu nhẹt nhiều hơn hay miền Nam nhiều hơn. Vì trên những tỉnh thành tôi đi qua, việc ăn nhậu của người Việt mình đều đáng báo động. Nếu ở miền Nam thường thấy trên bàn nhậu là chai lon lổn ngổn, thì ở Hà Nội là những ly bia hơi. Bia hơi Hà Nội nhẹ, nhưng ngon. Những quán bia hơi ở Hà Nội đông nghịt người. Mỗi tầm tan sở, mọi người lại dập dìu, rủ rê nhau vào quán bia hơi làm vài ly cho dễ ngủ.

Vật giá ở Hà Nội mắc kinh khủng, cao nhất cả nước. Nếu cùng một diện tích, cùng trên những con đường lớn như nhau, nhưng giá thuê mặt bằng ở Hà Nội thường phải cao hơn, và có khi cao hơn cả gấp đôi. Đó cũng là một phần làm cho vật giá ở Hà Nội mắc hơn những tỉnh thành khác.

Tôi đem việc mình phải trả 30 ngàn cho một dĩa bún đậu trên vỉa hè ra thắc mắc với người bạn, bạn tôi nói giá như vậy là hợp lý. Trong khi, với số tiền đó, tại Sài Gòn có thể vào một quán có máy lạnh, kêu một tô phở và được phục vụ tận tình.

Lăng và những thứ thuộc về ông Hồ

Con ở* Miền Nam lăn ra thăm Bác
Mới thấy Lăng Ông** không bằng Lăng Bác
Từ đó con càng nên chững chạc

Bùi Chát

Hầu hết những công trình kiến trúc, di tích lịch sử đều nhỏ, bó hẹp trong những khuôn viên nhỏ hẹp. Người miền Nam thường nghe nhiều về chùa Một Cột, tên chữ là chùa Diên Hựu nhưng khi đã tận kiến ắt hẳn phải thốt lên lời ta thán. Vì đó là một công trình kiến trúc nhỏ xíu được bao bọc chung quanh bởi những kiến trúc to đùng mà những người Cộng Sản làm cho ông Hồ Chí Minh, như: lăng, nhà sàn, ao cá…

Cầu Thê Húc cũng thế, đó chỉ là một đoạn cầu gỗ ngắn được sơn phết màu đỏ. Cầu được nối từ đất liền đến một cù lao nằm giữa lòng hồ Hoàn Kiếm. Trên cù lao được dựng một ngôi nhà trong đó còn lưu giữ xác những con rùa đã chết.

Và, hầu như tất thảy các công trình di tích lịch sử ở Hà Nội, để được đi vào thưởng ngoạn du khách đều phải trả tiền. Số tiền mà du khách phải trả thông thường phải mắc hơn ở trong Nam. Đến cả việc giữ xe cũng mắc hơn, thay vì 3000đ như ở trong Nam, thì tại Hà Nội, du khách phải trả đến 5000đ.

Nói như thế, không có nghĩa là kiến trúc nào người Hà Nội cũng xây nhỏ bé. Có những kiến trúc khổng lồ, nó được xây bởi sự bắt buộc. Sự mị dân đã làm cho người Hà Nội trở nên mụ mị, họ thần tượng hóa một con người như thần thánh. Và cũng có những công trình to đùng chỉ nhằm đáp ứng thói hưởng thụ của những kẻ trọc phú ảnh hưởng văn hóa Phương Đông. Đó là lăng và nhà sàn Hồ Chí Minh.

Với nhiều người, lăng Hồ Chí Minh thường nằm sẵn trong lịch trình tham quan. Tôi thì không vậy. Ông không ấn tượng mấy với tôi. Ấy là chưa nói để xây dựng và duy trì sự tồn tại của cái lăng ấy đã ngốn không biết bao nhiêu là tiền thuế của nhân dân. Có cả một Bộ Tư Lệnh đảm đương nhiệm vụ canh gác, bảo vệ lăng. Số tiền bỏ ra cho nó quả là không ít.


ha-noi-khac-biet 4

Trong "thành phố vì hòa bình" ấy, luôn hiện diện sự hổ lốn. Hình ảnh những sợi dây điện mắc chằng chịt, nham nhở bên cạnh những chiếc loa tuyên truyền thường được thấy ở những thành phố lớn. Tuyên truyền luôn được đặt ở nhiệm vụ trọng yếu, vì đó là một phần duy trì sự lãnh đạo độc tài của chính quyền Cộng Sản.

Sau khi Hugo Chavez qua đời, chính quyền của Chavez có ý định muốn ướp xác để cho người dân có thể thăm viếng vị lãnh tụ cánh tả này. Nhưng những chuyên gia người Nga đã khuyên là không nên, vì việc ướp xác sẽ ngốn rất nhiều ngân sách của nhà nước, tốn nhiều tiền thuế của nhân dân. Và, Venezuela là Quốc gia đang phải chống chọi với cơn khủng hoảng lạm phát mà do chính lãnh tụ Hugo Chavez để lại.

Nói như vậy để cho thấy, ngay tại thời điểm hiện đại, việc ướp xác phải mất rất nhiều tiền của, thì vào thời chiến tranh, chỉ nhằm mục đích tuyên truyền, thần tượng hóa lãnh tụ. Mang hình ảnh ông Hồ như chiếc bình phong để che chắn cho sự mục ruỗng của chế độ. Chính quyền Cộng Sản đã bất chấp mọi thứ chỉ để làm sao che mắt được dân chúng, bảo tồn sự cai trị độc tài.

Phải nói rằng, hiếm có người nào biết hưởng thụ cuộc sống như ông Hồ. Trong khuôn viên rộng lớn của phủ Toàn quyền của Pháp ngày trước. Sau khi đã đuổi người Pháp ra khỏi đất nước, ông Hồ đã chọn phủ ấy thành nơi làm việc và nghỉ dưỡng của mình. Bên cạnh đó, để đáp ứng cho lối sống hưởng thụ, ông còn cho làm thêm ngôi nhà sàn, bên cạnh còn cho đào ao để thả cá. Hằng ngày, ông vẫn ra đó để hút thuốc và cho cá ăn.

Thật chẳng có tay trọc phú nào tại Hà Nội lại có đủ tiền để mua một khuôn viên rộng lớn để cho xây nhà sàn, ao cá nhằm thỏa mãn lối sống hưởng thụ. Các công trình được nằm giữa những thân cây cổ thụ được trồng từ thời Pháp thuộc, nó tô vẽ thêm cho các công trình sự hài hòa. Kẻ nào đi vào cũng phải thán phục khả năng am tường về hưởng thụ đời sống của chủ nhân nó.


NQ

*Con ở: Người làm thuê, làm mướn, đi ở đợ cho nhà giàu có
**Lăng Ông: Lăng Ông Bà Chiểu, nơi chôn cất hai ông bà Lê Văn Duyệt được nhân dân miền Nam rất đỗi yêu quý.

No comments:

Post a Comment