Danh Ngôn

Danh Ngôn

Lời Vàng ý Ngọc

Lời Vàng ý Ngọc

Thursday, March 13, 2014

Tài nguyên rừng bị tận diệt


Gia Minh, biên tập viên RFA
2014-03-10

hocvienquany-305.jpg
Trinh Nữ Hoàng Cung, một cây thuốc có nguồn gốc từ Ấn Độ, sau trồng ở các nước vùng Đông Nam Á.
Courtesy of hocvienquany.vn


Rừng Việt Nam chứa đựng nhiều loại cây thuốc nam có tác dụng trị bệnh mà dân gian sử dụng suốt bao đời qua. Thế nhưng nạn phá rừng lâu nay và tình trạng thu mua cây thuốc nam của thương lái Trung Quốc đang khiến cho nguồn vốn quí đó tại Việt Nam bị tận diệt.
Trong chuyên mục Khoa học- Môi trường kỳ này, lương y Nhất Nam, một người hoạt động trong lĩnh vực y học cổ truyền và mong muốn bảo tồn, phát triển nguồn vốn thuốc nam quí giá đó của Việt Nam trao đổi cùng Gia Minh về tình hình liên quan.

Thương nhân Trung Quốc vơ vét
  Gia Minh: Trước hết xin ông cho biết ông bắt đầu quan tâm đến các loại cây thuốc nam của Việt Nam từ bao giờ?

Lương y Nhất Nam: Đối với cây thuốc nam- một trong những tài nguyên tự nhiên ở Việt Nam thì xin nói tôi học nghề thuốc theo Thầy chứ không theo trường lớp từ khi tôi mới 13-14 tuổi, mà đối với nghề thuốc tôi cũng chưa bao giờ tôi trở lại với nghề thuốc; nhưng trong quá trình làm doanh nghiệp đi khắp Bắc- Trung- Nam qua hiểu biết của bản thân người học thuốc và thấy việc thương nhân Trung Quốc vào Việt Nam thu mua nên tôi biết rất rõ những cây đó có tác dụng như thế nào và tại sao lại ‘nóng’ như thế! Người ta đổ xô hết vào rừng khai thác rồi đem bán với giá rất cao như thế!
Tôi đã theo dõi vấn đề này từ năm 1985, tức khi Trung Quốc tạm bình ổn, và những thông tin về các bài thuốc cổ như ‘Thập toàn đại bổ’ từ Trung Quốc đưa sang, tôi bắt đầu chú ý về cách tiếp cận và khai thác dược liệu của Trung Quốc rồi.
Đến thời điểm 1996, lúc Nhà nước triển khai hằng loạt các dự án trồng rừng và cho các doanh nghiệp thuê đất rừng, phá rừng đi rồi lại trồng rừng, tôi từng có những bài viết và có kiến nghị với một số cơ quan địa phương về vấn đề liên quan tài nguyên rừng, trong đó có vấn đề về cây thuốc nam.
Nói chung khi tôi đi đến đâu mà gặp bà con ai bệnh hoạn gì đó mà tôi biết, tôi đi kiếm cây thuốc để chữa cho họ nhưng không phải làm nghề lấy tiền. Chính vì trong hoạt động đó tôi phát hiện ra việc thương nhân Trung Quốc đã vào Việt Nam với một hệ thống rõ ràng, tìm mọi cách để triệt hạ tất cả những nguồn tài nguyên quí hiếm đối với những cây thuốc nam có giá trị cao.

Gia Minh: Ông có thể nêu ra những loại cây thuốc của Việt Nam được cho là quí hiếm và Trung Quốc qua thu mua?

Lương y Nhất Nam: Rất là nhiều. Từ lâu vấn đề cảnh báo về việc mua cây thuốc đã có. Gần đây nhất người ta mua cây ngũ sắc, cây mật ngân mà dân miền Nam gọi là cây bá bỉnh, người ta mua cây tâm thất nam, hay cây bình vôi, sâm Ngọc Linh… Đó là những cây thuốc nam có tính chất bổ dưỡng hay kháng viêm. Gần đây nhất tại vùng Phan Rang, người ta mua cây sạ đen ( cây này bị họ vơ vét rất kỹ), rồi cây chìa canh, cây thông đỏ, rồi thậm chí cây ngô thừa du không phải quá hiếm ở Việt Nam mà còn có thể nói là phổ biến nữa thế nhưng nay đi vào rừng tìm một cây ngô thừa du cũng rất khó! Vùng Phan Rang, Ninh Thuận có cây gọi là cây sáo tầm xuân là loại cây mà các nhà khoa học chiết xuất công nhận có khả năng chữa các căn bệnh ung thư cũng bị mua và thu gom gần như tận diệt.
Nói chung danh sách kể ra rất dài. Báo chí cũng đã gióng lên những hồi chuông về điều đó. Tôi cũng như một số lương y ở Viện Y học Trung ương cũng từng có những bài viết đưa lên các báo về việc thương nhân Trung Quốc mua vơ vét dược liệu ở Việt Nam. Hầu hết đều được chuyển ra biên giới phía bắc đưa sang Trung Quốc.

Gia Minh: Những loại cây đó ở trong rừng, và khi đi khai thác dẫn đến tình trạng rộng là phá rừng thế nào?

Lương y Nhất Nam: Đặc tính của các loài cây thuốc mà ngày xưa người ta hay gọi là ‘kỳ hoa, dị thảo’. Nghĩa là mỗi loại cây thuốc đều có một đặc tính gì đó đặc biệt, khác biệt không giống những loại cây mà ta thường trồng hay được biết.
Thường thường các loại cây có tính năng chữa bệnh, chúng thuộc nhóm cây tán thấp hoặc cây cỏ tức chúng nằm ở tầng thấp, sát mặt đất. Khi phá rừng, chặt cây lớn thì tự nó đè lên và làm chết mất đi, cũng như mất tán cây để những cây dưới tán có môi trường phù hợp để sinh trưởng.
Những cây nhỏ bên dưới nếu không cộng sinh vào những cây lớn thì cũng nhờ vào bóng mát để giữ độ ẩm và quân bình năng lượng hấp thụ cũng như điều kiện sống của nó.

Khi phá rừng tự nhiên tất nhiên những cây đó sẽ chết. Thứ hai nữa, việc thu gom của Trung Quốc ngoài việc mua giá cao họ còn mua bất kể thời gian. Đối với cây thuốc có loại chỉ dùng lá, có loại chỉ dùng hoa, có loại chỉ dùng quả, có loại chỉ dùng thân, có loại chỉ dùng rễ; có nghĩa là có những bộ phận để thu hái nhất định, và thu hái vào mùa nhất định chứ không phải lúc nào cũng thu được. Theo tôi để ý thương nhân Trung Quốc thu mua vào mùa mưa. Mùa này là mùa mà hầu như tất cả các loại cây thuốc kém tác dụng về mặt dược lý. Như vậy họ mua vào mùa đó rõ ràng không phải vì mục đích làm thuốc.
Mùa mưa là mùa dễ đào cây, và họ mua cả gốc lẫn rễ, mặc dù có những loại cây không hề dùng đến gốc rễ để làm thuốc. Đó là cơ sở rõ ràng họ mua với mục đích rõ ràng muốn triệt hạ nguồn tài nguyên dược liệu của Việt Nam.

Việt Nam phải làm gì?

BINHPHUOC.GOV-250.jpg
Một vườn cây thuốc nam ở Bình Phước. Courtesy of binhphuoc.gov

Gia Minh: Chúng tôi được biết lâu nay ở Việt Nam cũng có nói đến chuyện thiết lập những vườn cây thuốc nam để đưa về trồng và bảo tồn. Ông thấy hoạt động đó về mặt chính sách, tuyên truyền và thực tế ra sao?

Lương y Nhất Nam: Thú thật tôi có biết những chỗ đó và đã có đến tham quan. Tức tôi đã tận mắt chứng kiến chứ không phải chỉ nghe nói. Hiện nay, ngay cả vườn bảo tồn ở Tam Đảo hay ở Quảng Ninh, Viện Nghiên cứu Thực Vật và Viện Y học Dân tộc cũng có thành lập một vài nơi như ông nói là bảo tồn giống, nguồn gien những loại cây thuốc quí.
Thực tế khi tôi vào thì cũng có những cây thuốc quí có mặt tại đó; nhưng thực sự mà nói họ vẫn làm cảnh như kiểu làm cho có mà thôi!
Tức một vườn cây lớn để phục vụ cho nhu cầu và mục tiêu lớn với tính chất phục vụ cho cả xã hội với một số lượng lớn mà họ bảo tồn nguồn gien bằng một vài cây để làm tiêu bản thì tôi nghĩ nó giống viện bảo tàng tự nhiên hơn là viện bảo tàng nguồn gien. Bởi vì đối với thực vật, để có thể chiết suất ra nguồn gien để có thể nhân giống được thì không thể dùng một cây, hai cây để nhân ra hằng triệu cây được. Tỷ lệ chết đi của thực vật không giống như động vật là có thể lai giống nhân năm,nhân mười ra. Đối với cây thân gỗ thì một cây có thể chiết ra năm, ba cành; còn đối với cây thân dây leo càng không có khả năng chiết. Đặc biệt đối với cây thuốc thì thân leo và thân cỏ lại chiếm quá nhiều. Như thế họ đem một vài tiêu mẫu để ở đó thì không có tác dụng gì cả.
Trong khi đó tôi được biết chi phí cho những dự án như thế rất lớn, mà làm không hiệu quả.
Bản thân tôi cũng đang mang mơ ước vận động những anh em nhiệt tâm, có quan tâm muốn chấn hưng nghề thuốc nam của Việt Nam gom góp lại, mỗi người một chút, kiếm một mảnh đất và trồng lên một vườn thuốc. Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới chúng tôi có thể làm được nhưng không biết chính quyền có ủng hộ hay không!

Gia Minh: Ngoài nỗ lực của cá nhân và một số người như thế, ông còn thấy cần những biện pháp quyết liệt gì nữa không để cứu, bảo tồn cho được những cây thuốc nam của Việt Nam?

Lương y Nhất Nam: Theo tôi nghĩ việc này phải có sự vào cuộc của cấp cao. Còn đối với những cá nhân rất hạn chế vì đơn cử thế này: nếu như tôi có đủ năng lực lắm, tôi và anh em nhiệt tình lắm cũng chỉ có thể kiếm được một khu đất nào đó bỏ tiền ra mua, xây dựng trồng trọt lên thì chúng tôi cũng chỉ đầu tư được vào một khu vực nhất định. Trong khi đó, cây thuốc phân bổ ở các vùng Bắc- Trung- Nam. Mỗi một vùng có những cây thuốc khác nhau. Những cây đó đem ra những vùng khác không sống được. Ví dụ cây ở miền núi phía bắc giáp biên giới Trung Quốc nếu đem vào miền nam sẽ không có hiệu quả hoặc không sống được. Hay ở miền Trung đưa ra miền Bắc hay vào miền Nam cũng như thế.

     Như vậy, muốn làm được một chương trình như thế này đòi hỏi phải có sự ủng hộ lớn (ngoài những người có nhiệt tâm, tinh thần) từ phía chính quyền với thái độ, cách quan tâm cũng như quyết định rõ ràng, cụ thể. 
 Đơn cử tại vùng cực nam của Nam Bộ như vùng Cà Mau, An Giang, Kiên Giang, hay những vùng có cây thuốc, những cây thuốc sinh trưởng tốt ở khu vực miền Tây Nam Bộ phải có một vườn thuốc lớn; ở miền đông Nam bộ cũng phải có một vườn thuốc lớn, rồi miền trung Nam bộ, miền Bắc cũng phải có. Như vậy, chúng ta mới có khả năng đảm bảo được rằng tất cả những giống cây thuốc ở khắp mọi miền đều được như thế.

      Bây giờ chỉ có một nhóm ví dụ như Viện Y học Dân tộc Tây Nguyên chỉ làm được một vườn mấy hec ta, trồng ngo ngoe như tôi nói ở Quảng Ninh hay Tam Đảo với những tiêu bản thì không có khả năng nào, và không có lý do gì để có thể nói được họ bảo tồn được các nguồn giống cây thuốc nam ở Việt Nam cả.
Vấn đề địa lý, phong thổ, khí hậu đòi hỏi đối với cây trồng rất khắt khe, rất rõ ràng. Nếu chỉ làm ở một nơi thì không bao giờ có hiệu quả.
Gia Minh: Cám ơn Lương y Nhất Nam.

No comments:

Post a Comment