Danh Ngôn

Danh Ngôn

Lời Vàng ý Ngọc

Lời Vàng ý Ngọc

Friday, March 21, 2014

Những sáng kiến tuyệt vọng



Mặc Lâm, biên tập viên RFA, Bangkok
2014-03-19

Qua sông đi học bằng túi nilon, một sáng kiến tuyệt vọng...
Qua sông đi học bằng túi nilon, một sáng kiến tuyệt vọng...
Clip video/Tuổi Trẻ

Nghe bài này
Sau khi báo Tuổi trẻ phát phóng sự video hình ảnh cô giáo Tòng Thị Minh vượt suối đi dạy học bằng cách chui vào bao nylon để một thanh niên kéo sang bờ bên kia đã gây chấn động cho người xem và hình ảnh này cho thấy sự xem thường sinh mạng giáo viên lẫn học sinh tại các trường học vùng cao của chính quyền.
   Video clip ghi lại hình ảnh những em học sinh đồng bào H’mong và của chính cô giáo Tòng Thị Minh, giáo viên trường mầm non Sam Lang, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ tỉnh Điện Biên khi cả cô lẫn trò thay phiên nhau chui vào một bao nylon túm đầu lại và được nhiều thanh niên bơi đẩy qua suối lũ đã làm hàng ngàn người xúc động vì sự liều lĩnh của họ.
Trong tình hình khó khăn do phân phối ngân sách đối với vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có giới hạn khiến hàng ngàn chiếc cầu  giúp học sinh sống tại những bản làng xa với trường học không thể tới trường một cách an toàn vào mùa lũ. Tuy nhiên khó mà tưởng tượng ra cảnh cô giáo cũng phải tới trường khó khăn như học sinh trong video clip này.
Phản ứng xã hội
Cô giáo Tòng Thị Minh sau đó có chia sẻ cảm nghĩ với báo chí điểm chính là cô rất sợ hãi tuy nhiên phải cố vượt qua vì không thể bỏ lớp cùng học sinh thân yêu của mình.
Trước những hình ảnh gây shock rất lớn này, Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, đang phụ trách nghiên cứu giáo dục thuộc Hiệp hội các trường đại học ngoài công lập cho biết cảm giác của bà:
Tôi rất khâm phục cô giáo vì cô phải dùng một cách rất nguy hiểm tới tính mạng như vậy...Tôi phẫn nộ vì tại sao nhà nước lại không lo xây dựng đường xá để mọi người phải đi lại một cách khổ sở và liều mạng như vậy?
Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh
-Nhiều người lắm chứ không phải một mình tôi khi coi cái clip đó. Khi thấy cảnh cả học sinh lẫn cô giáo phải vào trong bao ngồi thì mọi người rất shock vì nhiều lý do. Shock và hơi phẫn nộ bởi quá nguy hiểm mà mọi người vẫn phải làm. Cái clip sau đó cũng có lên TV và cô giáo tả lại cảm giác của cô ấy là sợ và ngộp thở…thì rất là khủng khiếp. Tôi rất khâm phục cô giáo vì cô phải dùng một cách rất nguy hiểm tới tính mạng như vậy. Phục nhưng thật ra cũng hơi giận nữa vì tại sao người ta dám làm những việc khủng khiếp …cảm giác rất là khó tả. Tôi phẫn nộ vì tại sao nhà nước lại không lo xây dựng đường xá để mọi người phải đi lại một cách khổ sở và liều mạng như vậy?



Tính mạng thật mong manh trong túi nilon giữa sông. Clip video/Tuổi Trẻ
Tính mạng thật mong manh trong túi nilon giữa sông. Clip video/Tuổi Trẻ
Cảm giác chung khi xem là hồi hộp và sau đó là xót xa. Hình ảnh những học sinh bé nhỏ ăn mặc thiếu thốn đến trường với những phương tiện độc nhất vô nhi trên thế giới ấy đã được báo chí đem ra chất vấn cấp cao nhất của tỉnh Điện Biên.
Ông Hoàng Văn Nhân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên nói với báo chí khi nghe tin này rằng ông sẽ yêu cầu chính quyền địa phương kiểm tra lại cụ thể, đối chiếu lại các hình ảnh xem thuộc địa bàn nào. Sau đó phải có báo cáo, đề xuất giải pháp đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người dân.
Câu trả lời của ông Nhân không giúp dư luận bớt phẫn nộ vì sự chậm chạp rất truyền thống của cán bộ đã trở thành tập quán và không ai tin rằng ông Phó chủ tịch tỉnh Điện Biên sẽ có bất cứ động thái tích cực nào để giải quyết rốt ráo tình trạng đau lòng của đồng bào H’mong.
Anh Giàng Văn Ngọc hiện sống tại Điện Biên chia sẻ:
-Nói chung các đồng bào dân tộc miền núi thì không đủ đâu (cầu). người ta chỉ được đi học và mọi điều phải tự lo thôi nhà nước không lo gì hết. Nhà nước không làm cầu thì bà con phải tìm cách tự qua suối bằng cách nào đó. Suối nhỏ và các em lớp 5,6 hay 7 thì chắc chắn bố mẹ phải đưa các em qua suối rồi vì mùa lũ các em không thể đi được còn mùa nầy thì các em tự đi.
Bài toán ngân sách
Theo Mục sư Pao Vàng người phụ trách các cộng đồng tin lành tại nhiều tỉnh miền núi thì khó khăn là hiển nhiên vì ngân sách yếu kém cộng với số địa phương khó khăn quá nhiều nên nhà nước không thể lo nỗi trong một sớm một chiều, Mục sư Pao Vàng cho biết:
-So với trước đây thì bây giờ đã đỡ nhiều rồi nhưng nhiều vùng xa xôi ví dụ như Mường Tè, Mường Nhé của Điện Biên hay Lào Cai, Hà Giang còn rất nhiều nơi khó khăn, tôi mới vừa đi các vùng đó về cách đây hơn tháng cho nên cũng biết khá nhiều trường hợp như vậy. Không chỉ ở vùng sâu vùng cao người H’mong mà tất cả các vùng đặc biệt khó khăn như ở miến Trung thì rất nhiều nơi khó khăn lắm.
Theo ông Lê Văn Quý Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo Điện Biên thì ông không bất ngờ với những thông tin vừa nói và cho rằng đó là sự việc bình thường đối với một tỉnh vùng cao như Điện Biên.
Cái khó khăn nhất của các em bây giờ chủ yếu là phương tiện đi lại. Thứ nhất là đường xá cầu cống chưa được. Các em phải đi bộ từ 4 hay 5 giờ sáng phải đi bộ mất hơn 2 hay 3 tiếng đồng hồ thì mới đến được để đi học. Học xong thì phải về lại nhà để giúp lại bố mẹ
Mục sư Pao Vàng
Theo ông Quý thì tại Điện Biên trong mùa lũ, nước ở các con sông, con suối lên rất nhanh, các thầy cô giáo muốn đến trường buộc phải làm giống như thế. Trường hợp của cô giáo Tòng Thị Minh tuy cá biệt nhưng cũng không phải là hiếm.
Ông Quý cũng cho biết tại xã Nà Hỳ muốn tới trường Sam Lang cũng phải qua 4, 5 đoạn suối nguy hiểm về mùa mưa nhưng hiện tại vẫn không có đủ kinh phí để xây dựng các cầu treo giúp các em học sinh và giáo viên đi lại an toàn hơn hiện nay.
Mục sư Pao Vàng cho biết kinh nghiệm của ông đối với những học sinh người thiểu số:
-Cái khó khăn nhất của các em bây giờ chủ yếu là phương tiện đi lại. Thứ nhất là đường xá cầu cống chưa được. Các em phải đi bộ từ 4 hay 5 giờ sáng phải đi bộ mất hơn 2 hay 3 tiếng đồng hồ thì mới đến được để đi học. Học xong thì phải về lại nhà để giúp lại bố mẹ như vậy thì cần phải làm sao rút lại khoảng cách của con đường.
Khi chúng tôi đặt câu hỏi liệu người dân có nên đóng góp tùy theo sức của mình trong lúc khó khăn này của đất nước bằng tiền của công sức theo mô hình xã hội hóa, xây dựng những chiếc cầu qua suối giúp các em hay không TS Phương Anh cho biết:
-Người dân làm thì cũng không biết sẽ đến đâu. Có người nói là khi quyên được tiền rồi nếu không có sự tích cực tham gia của nhà nước địa phương thì những người cầm tiền để làm điều đó không phải là dễ làm.
Kể cả chờ dân kêu mới làm ngay thì điều đó tôi vẫn trách. Mong là nhân dịp này hai bộ trưởng rà soát tiếp những chỗ nào thiếu cầu vì năm nào tôi cũng thấy học sinh qua đò bị đắm đò chết hay là trẻ em đu dây qua suối, qua thác rồi bây giờ lại chui vào bao nylon thì đúng là những sáng kiến kiểu tuyệt vọng
TS Vũ Thị Phương Anh
Sáng kiến tuyệt vọng
   Đối với trường hợp của cô giáo Tòng Thị Minh ngay khi nhận được tin tức Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng tuy đang công tác tại Nhật Bản với Chủ tịch nước đã thông báo quyết định xây dựng chiếc cầu treo tại nơi đó.
TS Vũ Thị Phương Anh cho biết ý kiến của bà về quyết định nhanh chóng của Bộ trưởng Đinh La Thăng:
-Nói gì thì nói nếu phản ứng nhanh như vậy thì tôi nghĩ là cứ phải khen đã còn chuyện có thực lòng hay không hay vẫn chỉ xử lý tình huống thì thật ra đây là một trong ít lần mà tiếng kêu cũng như bức xúc của người dân được phản hồi nhanh như vậy. Nều xây được cây cầu và xây nhanh thì tôi khen điểm đó, tuy nhiên điều đó chưa thể hiện đây là việc làm thường xuyên và hai nữa đáng lẽ phải nhìn thấy trước chứ không phải để dân kêu lên rồi mới làm.
Kể cả chờ dân kêu mới làm ngay thì điều đó tôi vẫn trách. Mong là nhân dịp này hai bộ trưởng rà soát tiếp những chỗ nào thiếu cầu vì năm nào tôi cũng thấy học sinh qua đò bị đắm đò chết hay là trẻ em đu dây qua suối, qua thác rồi bây giờ lại chui vào bao nylon thì đúng là những sáng kiến kiểu tuyệt vọng làm tôi thấy khủng khiếp và không thể chấp nhận được.
   Điều mà TS Vũ Thị Phương Anh gọi là “sáng kiến tuyệt vọng” đã làm chúng tôi suy nghĩ rất lâu bởi sự tuyệt vọng nào cũng dẫn đến hủy diệt.
  Các em học sinh bé nhỏ hôm nay là tương lai của dân tộc nếu phải theo những sáng kiến hủy diệt ấy của người lớn để tới trường thì tương lai các em sẽ đi về đâu?

No comments:

Post a Comment