Danh Ngôn

Danh Ngôn

Lời Vàng ý Ngọc

Lời Vàng ý Ngọc

Tuesday, October 17, 2017

54 người chết, 39 người mất tích do mưa lũ ở Việt Nam


Photo Credit: Zing
Vietnam – Cali Today News – Tính đến chiều tối ngày 12/10, trận mưa lũ đã làm cho 54 người chết và 39 người mất tích và 31 người bị thương. Trong số đó, nhiều người đã bị chết hoặc mất tích là do sạt lỡ đất. Đó là theo thống kê từ Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn. Con số này sẽ không dừng ở đây, vì mưa lũ vẫn tiếp tục hoành hành. Theo dự báo thời tiết, một cơn bão sắp đổ bộ vào Bắc miền Trung.
Trong số những người chết, tỉnh Hòa Bình dẫn đầu với 19 người, tiếp đến là Thanh Hóa 8 người, các tỉnh Nghệ An, Sơn La, Yên Bái cùng có 6 người chết, riêng tỉnh Quảng Trị cho đến nay mới có 1 người qua đời do mưa lũ.
Mưa lũ cộng với việc các đập thủy điện xả nước khiến cho ruộng lúa, hoa màu, gia súc, gia cầm của người dân bị tàn phá và chết hàng loạt. Con số thiệt hại hiện nay vẫn chưa thống kê hết được.

Hàng trăm con heo bị chết đuối do không kịp di tản. Ảnh: Internet

Ngay tại bản Thón, xã Phúc Sơn (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) lũ về đã cuốn trôi hoàn toàn 9 căn nhà của dân. Trong số đó có một gia đình gồm 4 người bị lũ cuốn đi mất. Tỉnh Yên Bái vừa mới trả qua đợt lũ quét, nay trở thành tan hoang.
Thiên tai hay nhân tai?
Những thiệt hại về người và tài sản là vô cùng lớn, song, có thật thiên tai là nguyên nhân? 
Từ sau năm 1975, để khôi phục nền kinh tế, chính quyền CSVN đã cho tàn phá hàng trăm ngàn hecta rừng nguyên sinh. Chưa hết, hàng chục thủy điện được ra đời mà đi kèm với đó là nạn phá rừng đã làm cho rừng ở Việt Nam cạn kiệt. Làn sóng di cư từ Bắc vào Nam đi vào những vùng kinh tế mới, những người này đã tận diệt rừng, thay vào đó là những cây ăn trái, cây cà phê.


Câu Thia tại Yên Bái bị lũ cuốn trôi. Ảnh: NLD

Mới nhất là vào năm 2009, dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông đã ban hành Quyết định 750/QĐ-TTg cho phép tàn phá những khoảnh rừng được gọi là “rừng nghèo” để trồng cao su, cà phê, ca cao…Các loại cây công nghiệp này không chỉ được trồng ở Cao nguyên Trung phần hay ở Đông Nam Bộ tại một số tỉnh, như: Đồng Nai, Sông Bé mà ở những tỉnh Tây Bắc cũng được cấp phép phá rừng để trồng cây. Đi theo đám người này là lực lượng lâm tặc ngày đêm quần nát các khu rừng để tìm về danh mộc. Từ đó, rừng ngày càng xơ xác, thiên tai ngày càng kinh hoàng.
Nhưng, đó chưa phải là ác mộng đối với người dân. Với lý do “bảo đảm an ninh năng lượng” cho phát triển kinh tế, chính phủ CSVN đã cho phép xây dựng hàng loạt đập thủy điện ở các thượng nguồn con sông. Ai cũng thừa hiểu, để làm được các đập thủy điện ở những nơi hiểm trở, các chủ đầu tư phải chặt phá rừng, vì thủy điện được đặt ngay giữa tâm rừng. Khi thủy điện được dựng lên, việc điều tiết nước vào mùa hè thì chẳng thấy, vì đó là thời điểm khô hạn, thủy điện phải tích nước để chạy điện. Nhưng, khi đến mùa mưa lũ, thủy điện lại đồng loạt xả nước, khiến trong một thời gian cực ngắn, lượng nước tăng lên đột ngột. Cả người và tài sản đều bị theo dòng nước cuốn đi mất.
Tất cả những việc xả lũ trên đều được cho là “đúng quy trình”, người dân không hề nhận được đền bù thiệt hại, và nó cứ đều đặn cứ hàng năm lại xảy ra.
Trong khi mưa lũ hoành hành, cảnh tan hoang, nhà tan cửa nát, tiếng khóc át luôn cả tiếng mưa thì Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đi tiếp xúc cử tri, hô hào cho việc “chặt củi, bỏ vô lò” nhằm quảng bá cho chiến dịch chống tham nhũng của mình. Nếu quan sát, đây là việc làm không hề lạ đối với người đứng đầu đảng CSVN. Còn nhớ, vào thời điểm khi Trung Cộng xua tàu khoan dầu Hải Dương 981 ra Biển Đông, thay vì lo an nguy cho vận mệnh chủ quyền quốc gia thì ông này chỉ chăm chút vào việc tổ chức Đại hội đảng. Ông từng nói: “Nếu để xảy ra đụng độ gì (với Trung Cộng trên Biển Đông-người viết) thì tình hình bây giờ bất ổn thế nào, chúng ta có ngồi đây mà bàn việc tổ chức đại hội Đảng được không?”
Thiên tai tàn phá, ảnh hưởng đến con người thì ít, nhưng dưới sự cai trị của đảng CSVN, những thiệt hại của người dân trong nước mới thật kinh hoàng.

Nguoi Quan Sat

**
Hòa Bình: 39 người chết, bị thương và mất tích do mưa lũ

Tính đến 7 giờ ngày 12/10, toàn tỉnh Hòa Bình có 39 người chết, bị thương và mất tích do mưa lũ.
Người dân làng vạn chài thành phố Hòa Bình vật lộn với lũ dâng cao.
Trong đó, huyện Đà Bắc có 8 người chết, 1 người mất tích, 7 người bị thương; huyện Tân Lạc 6 người chết, 12 người mất tích; huyện Kim Bôi 2 người chết; huyện Mai Châu 1 người chết, 2 người bị thương.
Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, trên 1.000 ngôi nhà của người dân đã bị lũ làm hư hỏng, cuốn trôi, khoảng 300 hộ dân phải di dời đến nơi an toàn. Hơn 4.000ha lúa, hoa màu bị ngập hoàn toàn. Các tuyến đường giao thông bị sạt lở thiệt hại nghiêm trọng...
Huyện Đà Bắc và Tân Lạc là nơi chịu thiệt hại lớn nhất về người, tài sản và hoa màu, với 14 người chết, 13 người mất tích 7 người bị thương do sạt lở đất và lũ cuốn.
Tại huyện Đà Bắc, nhiều diện tích lúa, hoa màu bị ngập nước; 40 ngôi nhà bị sập đổ do sạt lở đất, 5 nhà dân phải di dời khẩn cấp; hơn 100 con trâu, bò bị lũ cuôi trôi.
Lũ tại các ngầm qua suối dâng cao, tuyến tỉnh lộ 433 (đi các xã vùng cao như Tân Minh, Tân Pheo, Giáp Đắt, Đồng Nghê, Suối Nánh của huyện Đà Bắc) bị sạt lở, cô lập hoàn toàn. Hiện tại còn khoảng 11 người dân xã Suối Nánh bị mất liên lạc.
Hồ Cháu Mè, hồ Thang, xã Tu Lý nước tràn qua đường tràn, thân đập nứt, nguy cơ mất an toàn cao. Huyện Tân Lạc có 4 nhà dân bị vùi lấp hoàn toàn.
Tại huyện Kỳ Sơn, mưa lũ đã làm ngập úng và sạt lở 18 nhà dân; 40 hộ dân phải di dời; thiệt hại gần 100ha lúa, hoa màu; 300 con gia súc, gia cầm và hơn 10 lồng cá bị lũ cuốn trôi; nhiều tuyến đường giao thông bị hư hỏng và ách tắc.
Huyện Lạc Sơn có 81 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có 49 hộ phải di rời; hơn 8.000ha lúa và hoa màu bị ngập úng; các tuyến đường bị sạt lở, ôtô không qua lại được, các hồ đập đều đã chảy tràn, làm xói lở và hư hỏng.
Huyện Kim Bôi, nguy cơ vỡ các đập là rất cao, nhiều đoạn đường hư hỏng nặng, giao thông ách tắc.


Nước nhiều khu vực hạ du dâng cao do Thủy điện Hòa Bình xả lũ.
Trước những diễn biến phức tạp và ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, tối 11/10, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hòa Bình đã họp khẩn và có báo cáo nhanh về những thiệt hại ban đầu do mưa lũ.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đặc biệt lưu ý đối với thành phố Hòa Bình và huyện Kỳ Sơn sẵn sàng chuẩn bị phương án sơ tán dân; tuyệt đối không để người dân tự ý vượt ngầm tràn khi mưa lũ lớn, tăng cường lực lượng ứng trực và có barie, biển báo ở hai đầu ngầm; thực hiện các giải pháp xử lý tình hình hồ đập nguy cấp; ứng cứu kịp thời đối với các vùng đang bị chia cắt, cô lập.
UBND tỉnh Hòa Bình đã công bố tình trạng khẩn cấp các công trình hồ chứa, đường giao thông, các vị trí sạt lở đất do mưa lớn; bố trí lực lượng trực 24/24h tại các ngầm tràn, vị trí có khả năng tiềm ẩn gây tai nạn trong mưa lũ; huy động lực lượng giúp dân thu hoạch lúa và hoa màu; tạm dừng tất cả các cuộc họp không cần thiết để tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả; rà soát phương án phòng chống lũ đảm bảo an toàn cho hạ du…
Vũ Hà ( Báo Mới)
Tin, ảnh: Vũ Hà (TTXVN)
**


No comments:

Post a Comment