Danh Ngôn

Danh Ngôn

Lời Vàng ý Ngọc

Lời Vàng ý Ngọc

Monday, December 7, 2015

SAU NỤ CƯỜI MUỘN CỦA MỘT VỊ QUAN TÒA

  
Bị cáo Nguyễn Viết Dũng, biệt danh mạng xã hội là Dũng Phi Hổ, bị bắt giam và khởi tố về tội ‘Gây rối trật tự công cộng’ theo Điều 245 Bộ luật hình sự từ ngày 12/4/2015 đến nay.
Ông bị bắt sau khi tham gia tuần hành bảo vệ cây xanh Hà Nội vào sáng ngày 12/4/2015. Ông được miêu tả “Mặc áo thun có in hình quốc huy Việt Nam Cộng Hòa” và đằng sau in dòng chữ tiếng Anh với nghĩa “Dân không sợ chính quyền, chỉ có chính quyền mới sợ dân”.

Theo đề nghị của ông Nguyễn Viết Dũng từ trại giam Hỏa Lò, tôi nhận lời bào chữa miễn phí cho ông Dũng trong phiên tòa sơ thẩm tại Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm, cùng với ba luật sư khác là LS Nguyễn Khả Thành, LS Trần Thu Nam, LS Lê Văn Luân. Một vài suy nghĩ của chúng tôi khi nhận bào chữa vụ án này, xin chia xẻ cùng các bạn:
Thứ nhất là về cấp Giấy chứng nhận bào chữa cho tôi: khoản 4, Điều 56, Bộ luật Tố tụng hình sự quy định “Trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của người bào chữa, thì toà án cấp giấy chứng nhận người bào chữa để họ thực hiện việc bào chữa”. Nhưng thẩm phán Trần Thị Thúy Hồng đã vô tư để tôi phải chờ gần 26 ngày, sau đó mới cấp giấy chứng nhận; khi được cấp giấy chứng nhận tôi liên hệ đọc hồ sơ thì thẩm phán chỉ thư ký, thư ký chỉ thẩm phán. Sau mấy ngày chờ đợi, tôi nhận được hồ sơ cùng với nụ cười tươi của thẩm phán. Nụ cười rạng rỡ muộn màng liệu có che lấp được hành vi xem thường pháp luật, vi phạm khoản 4, Điều 56 Bộ luật Tố tụng hình sự của một vị thẩm phán đáng kính hay không ?
Thứ hai là về Quyết định đưa vụ án ra xét xử: Điều 184 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định việc xét xử phải trực tiếp, bằng lời nói và liên tục, Tòa án phải trực tiếp xác định những tình tiết của vụ án bằng cách hỏi và nghe ý kiến của bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc người đại diện hợp pháp của họ, người làm chứng, người giám định, xem xét vật chứng và nghe ý kiến của Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự. Bản án chỉ được căn cứ vào những chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa.
    Việc xét xử phải tiến hành liên tục, trừ thời gian nghỉ, nhưng Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 325/2015/HSST-QĐ, ngày 23/11/2015 do thẩm phán Trần Thị Thúy Hồng ký, không triệu tập bất kỳ người làm chứng, người có nghĩa vụ liên quan, người bị hại nào, mà chỉ triệu tập một người duy nhất là bị cáo Nguyễn Viết Dũng.
 Vậy thì phiên tòa sắp đến liệu có công tâm và khách quan hay không ?
Thời gian xét xử ghi trong Quyết định đưa vụ án ra xét xử là 02 ngày: ngày 09/12/2015, nghỉ 05 ngày sau và xét xử tiếp vào ngày 14/12/2015. Việc sắp xếp thời gian như thế này liệu có đảm bảo tính liên tục được qui định tại Điều 184 Bộ luật Tố tụng hình sự hay không ?
Nguyên nhân nào dẫn đến việc thẩm phán Trần Thị Thúy Hồng, là thẩm phán của một Tòa án cấp quận nằm ở giữa trung tâm thủ đô Hà Nội mà lại dám đùa giỡn với pháp luật như vậy ? không biết ngài Bộ trưởng Bộ tư pháp suy nghĩ như thế nào trong khi cả nước đang quyết tâm cải tổ nghành tư pháp ?

No comments:

Post a Comment