Danh Ngôn

Danh Ngôn

Lời Vàng ý Ngọc

Lời Vàng ý Ngọc

Sunday, November 25, 2012

Bác Chín lính "ngụy", người tốt bụng còn sót lại quê nhà trong cảnh khốn cùng

Tôi viết lên bài này với nỗi lòng nặng trĩu, câu chuyện bắt đầu từ một ngày rất xa, nhưng nó vẫn ám ảnh lấy tôi đã hơn tám năm trời.

                                     Lúc đó khi tôi còn ở Việt Nam, vừa học xong lớp cao đẳng thì tôi vào Saigon học thêm lớp đại học liên thông. Nhà tôi nghèo lắm, gia đình tôi gồm có mẹ và người chị gái, cha tôi mất từ lúc chị tôi và tôi vừa biết nói bập bẹ, mẹ tôi phải gồng gánh nuôi chi em tôi. Khi chị tôi vừa 20 tuổi, thì chị đã lấy một ông chồng nơi xứ Đài, dạo ấy lấy chồng nước ngoài còn hiếm lắm, bà con lối xóm xầm xì to nhỏ rất nhiều, nhưng vì nghèo quá phải tìm cách sinh nhai thôi. Tôi thì vừa vào cao đẳng năm thứ nhất, thời gian đầu chị tôi biệt tăm không thư từ qua lại, số tiền môi giới trả cho nhà tôi bằng 2 ngàn đô la, lớp thì chữa bệnh cho mẹ, phần thì mua lại mấy tấm lá nước và một số tầm vông để che lại mái nhà, phần còn lại mẹ mua cho tôi chiếc xe đạp cầm chân để đi học, rồi tiền học phí, tiền tài liệu..v…v…riết rồi cũng "đi tong" số tiền "bán con, đợ chị" ấy. 


                                     Khi ra trường cầm tấm bằng cao đẳng thì cũng là lúc các cơ quan xí nghiệp họ không cần bằng cao đẳng nữa, buộc lòng tôi phải lên Saigon học thêm lớp đại học mặc dù nhà tôi khó mà lo cho tôi nổi trong giai đoạn ấy. Mẹ tôi được người ta mách bảo chạy chọt vay quỹ hộ nghèo để lấy tiền lo cho tôi, nhưng hỡi ơi nhà tôi làm gì có hộ khẩu mà vay ?! Khi năn nỉ mấy ngày không được thì mẹ tôi đánh liều vay tiền nóng 2 triệu đồng của cô chủ tịch xã với lãi xuất 20% để lo cho tôi nhập học.

                                      Khi lên Saigon thì mọi thứ ôi thôi là tiền, nào gởi xe, nào ăn sáng, uống nước..v…v…làm cho tôi nản chí tột cùng, tiền mướn nhà là quan trọng nhất, tôi không thể nào có đủ tiền để mướn 1 phòng trọ nhỏ thôi để ăn học, may nhờ thằng bạn mới quen cho tôi ở ké ít hôm, rồi tự tìm chỗ mà ở. Một buổi chiều vừa tan học sớm hơn mọi khi, tôi ghé lại công viên để ngồi nghỉ và tranh thủ học bài vừa nhai vội ổ bánh mì khô queo mà tôi mua để dành khi sáng. Đang chăm chú học bài thì có một người đàn ông khoảng chừng 55 tuổi, vóc người gầy còm khắc khổ, bác chỉ mặc vỏn vẹn chiếc quần đùi và cái áo sơ mi cụt tay, bác đến bên ghế đá và xin ngồi chung, xung quanh công viên lúc ấy có nhiều ghế đá, nhưng trời về chiều có rất nhiều cặp tình nhân đến hóng gió, nên chỉ còn có chỗ tôi ngồi là tiện cho bác ấy ngồi ké nhất.


                        Tôi mời bác ấy ngồi xuống, khi quan sát kỹ thì tôi biết bác ấy là một người bị thương thì phải, tay bác vẫn còn nhưng có một vết thẹo chạy dài xuống từ khủy tay đến bàn tay, làm cho tay bác cong lại, khi bác lấy chai nước suối ra uống, tôi phải mở nắp chai giùm bác, thật tội nghiệp.

                                    Bác là người mài dao, mài kéo mướn, đồ nghề thì chỉ có cái ghế dài trên có gắn viên đá mài đả mòn lẳng, và một số dao kéo cũ để cho khách mượn xài tạm. 

                          Bác tâm sự, nhà bác ở tận Bà Qụeo, bác sống một mình, vợ bác đã chết sau một lần thăm bác trong trại cải tạo tận ngoài núi rừng Việt Bắc xa xôi, cái độc của rừng núi đã cướp đi mạng sống vợ bác bằng môt trận sốt rét rừng nghiệt ngã. 
                                       Vì thương vợ, vì hoàn cảnh thương tật, bác sống một mình mà không bước thêm bước nữa, cảnh cô độc, cuộc sống nghèo nàn đã làm cho bác già đi rất nhiều, bác chán cái xã hội thiếu tình người này, bác chỉ an phận lo làm kiếm cơm qua ngày, bác nói, bác không tự vận chết đi là vì bác là người công giáo, người công giáo không chết vì tự vận, chúa sinh ra ta, phần xác là của ta, nhưng phần hồn là của chúa, bác cố sống như vậy cho tới khi nào Chúa gọi đi thì bác mới đi.

                         Lâu ngày gặp được người tâm sự, tôi như mở tấm lòng và kể hết hoàn cảnh của tôi cho bác nghe, bác suy nghĩ hồi lâu và đề nghị thôi thì hãy về nhà bác ở, tuy xa trường học, tuy nghèo nàn nhưng có 2 người có điều kiện chăm sóc lẫn nhau. Tôi ngại lắm, lần đầu gặp một người đàn ông xa lạ đề nghị mình về ở chung cũng nghi lắm, đất Saigon mà ! Kẻ ác luôn chực chờ khắp nơi, cạm bẫy đang chờ đón bạn bất cứ lúc nào, nhưng khi nhìn vào ánh mắt bác tôi tin, cái đôi mắt đã hằn sâu vết chân chim theo năm tháng, nhưng thỉnh thoảng vẫn dấy lên một cái nhìn trong sáng và nhân hậu. Tôi cảm ơn bác và đồng ý dọn về nhà bác ở, lúc bấy giờ là 7h30 phút tối, bác ngồi đợi tôi ở công viên, tôi chạy về nhà dọn cặp sách, quần áo, vật dụng linh tinh và đi theo bác để biết đường tiện thể.

                                        Đi tới Bà Queo có con đường nhỏ dẫn sâu vào trong là những liếp rau xanh om do bà con nơi đây trồng, lần đầu tiên tôi mới thấy giữa một thành phố rộng lớn lại có những mảnh vườn xinh xắn thế này ! Nhà bác là một căn nhà lá, vách ván, lưng dựa vào một bờ tường của ai đó cao ngút và dài ngoằn, cửa không khóa chỉ cột bằng một sợi dây "cu ro" cũ.
                Bác mời tôi vào nhà và chỉ tôi chỗ để đồ, và bác nói sáng lại bác sẽ sắp xếp cho tôi chỗ ngồi học. Tối hôm đó tôi và bác nằm chung một bộ vạc tre ngủ, bác ngủ thật say sưa, ngon lành, còn tôi thì thao thức mãi, ngoài kia tiếng côn trùng kêu lúc nhặt lúc thưa, tôi cảm thấy nhớ nhà vô kể, lâu lâu tiếng máy bay lượn sát bên tai làm cho tôi thật sự khó ngủ…

                  Sáng thức dậy tôi đi học còn bác đi "cày", ít khi tôi và bác nấu cơm, tôi ăn vội ổ bánh mì thì bác cũng ăn một cái gì đó trên đường, tối về thì gặp nhau.
          Những lúc rảnh rỗi bác kể cho tôi nghe rất nhiều chuyện, dạy cho tôi rất nhiều điều hay lẽ phải, khi mẹ tôi không kịp gởi tiền lên cho tôi thì những cái như ăn uống, gởi xe linh tinh... bác đều bao bọc cho tôi bằng những đồng tiền ít ỏi mà bác cực khổ kiếm được.
                  Bác tuy nghèo nhưng sống rất trong sạch, bác không bao giờ nhận của người là bất cứ thứ gì ngoại trừ tình thương mà chòm xóm dành cho bác bằng những lon gạo, bằng những ký đường… Có lần bác kể, khi đi mài dao cho một nhà kia, tình cờ gặp một ông Việt Kiều là thân nhân nhà đó về nước chơi, thấy bác khổ và biết bác là thương phế binh nữa, nên ông ta cho bác 500 ngàn, bác nhất quyết không lấy, và nói, mày cho mấy thằng khác còn khổ hơn tao nữa kìa, tao còn sống được, không cần tiền bố thí. Ông khách ngại quá và bày tỏ, tôi cho anh là vì tôi cũng là lính như anh, tôi kính trọng anh tôi giúp đỡ, nào phải là bố thí anh ơi ! Nói riết bác cũng không nhận, nên ông khách đó đành chịu vậy.
                 Nhiều lần tôi tò mò hỏi, sao bác không nhờ hội đoàn nào đó giúp bác, nghe nói mấy người là lính được trợ giúp nhiều mà, thấy đài hay dưa tin xây nhà tình nghĩa, trợ cấp thương binh…v…v..sao bác không liên lạc thử xem ? Bác cười nói, cái đó là bộ đội con ơi, còn bác là lính mà, ai giúp cho bác đây ? 

               Tôi ngơ ngác hỏi bác, vậy bác là lính "ngụy" à ? Bác nhìn tôi cười nói, ừ… trong mắt mấy đứa trẻ tụi mày bác là "ngụy" đó, tôi hỏi bác, rồi các bạn chiến đấu của bác đâu ?

                   Bác không trả lời chỉ nhìn xa xăm buồn rười rượi. Một thời gian sau chị tôi cũng có liên lạc về, chị tôi gởi tiền cho mẹ tôi trả dứt số nợ lãi 20% của bà chủ tịch xã, mẹ tôi cũng cho tôi chút ít để phòng xa khi trái gió, trở trời. Tôi cũng thường mua thức ăn mỗi khi tan học về, bác và tôi bớt cực nhọc hơn trong một thời gian ngắn.

                                  Rồi ngày tháng trôi qua, tôi cũng đã thi lấy bằng đại học. Khi chia tay bác tôi rất buồn, buồn vì phải xa một người thân hằng mấy năm trời gắn bó, cam khổ có nhau… buồn vì rồi đây không có tôi ai sẽ chăm lo cho bác khi mùa lạnh cận kề, những cơn nhức thấu xương do vết thương để lại, ai sẽ thay tôi thoa dầu, bóp thuộc cho bác đây. 
                      Bác không tiễn tôi ra bến xe, bác chỉ chúc tôi mạnh khỏe và tìm được chỗ làm, bác dặn tôi khi nào có dịp lên Saigon ghé thăm bác và nhớ mua cho bác ít cốm dẹp, lâu rồi bác không được ăn cốm dẹp trộn đường thốt nốt.

                     Kỳ học đó tôi đỗ loại giỏi, xã tôi làm một cái lễ nhỏ đễ tuyên dương tôi, và tôi được lên bục đọc diễn văn, nói lên cảm nghĩ của mình về công ơn của những người giúp tôi ăn học. Bài văn được ai đó biên sẵn, bắt tôi phải đọc như con vẹt, trong đó ghi:
             "Nhờ chính quyền địa phương, đảng bộ các cấp, và chính sách nhà nước tận tình giúp đỡ tạo mọi điều kiến tốt cho tôi ăn học nên hôm nay tôi mới thành công rực rỡ như vậy, tôi vô cùng biết ơn các cấp chính quyền nơi tôi sinh sống, tôi xin cảm ơn đảng và nhà nước, cảm ơn bà chủ tịch xã, tôi hứa sẽ sống, làm tốt theo năm điều bác hồ dạy để xứng đáng là một chiến sĩ thời bình".

                                         Bên dưới tiếng vỗ tay rầm rầm, anh quay phim ôm máy chay tới lui lấy từng góc quay tốt nhất, bà chủ tịch xã thì luôn đứng cạnh tôi miệng cười tươi như... trái ổi. Mẹ tôi đứng nghẹn ngào… mọi người xúm lại chúc mừng mẹ tôi, nhưng có ai hiểu đâu, bà nghẹn ngào vì trong lời diễn văn không thấy chỗ nào nhắc tới mẹ tôi, người mà còng lưng để chạy tiền lo cho tôi đi ăn học, người mà vay tiền quỹ người nghèo không được duyệt, người mà 2 năm trời đóng tiền lãi 20 phân, người đã "bán" đứa con gái mình qua Đài Loan để lấy tiền lo cho tôi ăn học.

                            Không ai cho tôi được tự do nhắc tới bác Chín thương phế binh Việt Nam Cộng Hoà ân nhân của tôi, người chị đau khổ của tôi… và không ai cho tôi bày tỏ cái khốn cùng của một sinh viên xa xứ. Tôi không ở lại dự tiệc, mà ra về liền sau khi rời khỏi bục, miệng rủa thầm "tổ cha cái văn bản viết sẵn, tổ cha cái chỉ đạo viết sẵn" (lần đầu tiên tôi chửi thề).
                 Hai năm sau chị tôi cũng bị ông chồng Đài Loan chán chê, chị tôi gặp một anh Việt Nam cũng định cư tại Đài Loan, thông cảm cho hoàn cảnh chị tôi, tha hương ngộ đồng hương, và anh ta đã cưới chị tôi làm vợ, chị tôi bảo lãnh tôi sang Đài Loan ít năm sau đó.

                      Hôm nay giữa nơi xứ người, tôi ngồi nhớ lại những chuyện đã qua, và quyết định viết kể lại những chuyện này gởi lên đây để các bạn cùng đọc. Vừa viết xong mấy dòng này thì trời cũng khá khuya, những hình ảnh người thân còn ở quê nhà vẫn luôn hiện lên trong tâm trí tôi, mẹ tôi, bạn bè tôi… và nhất là tiếng rao của bác Chín như là một lời nhắn nhủ, một lời nhắc nhở cái cảnh nghèo khó của quê hương: “Mài dao mài kéo đây….!!! “ .

Nguyễn Chánh

No comments:

Post a Comment